Theo Quy hoạch điện VIII đến năm 2030, nguồn nhiệt điện khí phải đầu tư mới trên 30.420 MW, trong đó 75% là điện khí LNG (22.824 MW). Tới 2030 sẽ có 13 dự án điện khí LNG được phát triển, song hiện mới có một dự án là nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4, tổng công suất 1.500 MW đang thi công, dự kiến vận hành cuối năm sau và giữa 2025. Như vậy, để đạt mục tiêu tại Quy hoạch điện VIII, Việt Nam cần phát triển khoảng 22.500 MW điện khí 7 năm tới.
Tuy nhiên, việc phát triển loại nguồn điện này gặp nhiều thách thức khi đầu tư, triển khai các dự án. Chẳng hạn, dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3 và 4 gặp vướng mắc liên quan giải phóng mặt bằng các tuyến đường dây đấu nối để giải tỏa công suất; giải phóng mặt bằng và hợp đồng thuê đất của dự án do địa phương chưa xác nhận hoàn thành công tác bồi thường với Tổng công ty Tín Nghĩa.
Hay dự án Nhà máy điện LNG Hiệp Phước giai đoạn 1 vướng do UBND TP HCM chưa cho lập các đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu đất dự án và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư dự án.
Tương tự, dự án LNG Hải Lăng (Quảng Trị) gặp khó khăn vì liên quan đến điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị, quy hoạch 1/500 của dự án. Còn dự án LNG Quảng Ninh vướng mắc liên quan tới các thủ tục điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch 1/500 dự án.
Trước những khó khăn từ phía địa phương, ngày 18/12, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tạo điều kiện và kịp thời giải quyết các vướng mắc theo thẩm quyền để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án LNG.
Bộ này cũng đề nghị các địa phương đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư thực hiện dự án đúng tiến độ, và xử lý nghiêm dự án chậm theo quy định về đầu tư. Với dự án chưa có chủ đầu tư, các tỉnh cần sớm hoàn thiện điều kiện, thủ tục cần thiết để chọn chủ đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án.
Tại cuộc họp cuối tuần trước, các tập đoàn, doanh nghiệp cho rằng cần có chủ trương của cấp có thẩm quyền về cơ chế đặc thù tháo gỡ các vướng mắc chưa được pháp luật quy định khi làm dự án điện gió ngoài khơi, điện khí LNG.
Họ kiến nghị Bộ Công Thương sớm báo cáo Chính phủ, Quốc hội xem xét ban hành nghị quyết, chủ trương về cơ chế với hai loại nguồn điện này.
Thực tế, một dự án điện khí từ khâu chuẩn bị đầu tư (chọn nhà thầu, lập và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hay đàm phán hợp đồng mua bán điện) thường mất 7-8 năm. Vì thế, việc đầu tư, triển khai các dự án đáp ứng tiến độ vận hành trước 2030 là thách thức rất lớn.