Bộ Công Thương vừa có báo cáo gửi Thủ tướng về tình hình triển khai tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với chủ trương giảm 50% tiền thuê đất năm 2012 đã được Thủ tướng quyết định, Bộ đề nghị cần có hướng dẫn chi tiết hơn theo hướng giảm nhẹ thủ tục hành chính để doanh nghiệp có thể được giảm tiền thuê đất. Tình hình khó khăn có thể kéo dài đến năm 2013, Bộ đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép tiếp tục thực hiện giảm tiền thuê đất đến hết năm sau.
Do doanh nghiệp đang trong quá trình khó khăn, Bộ Công Thương đề xuất Chính phủ cần trình Quốc hội giảm thuế VAT có thời hạn từ 10% xuống 5% cho các ngành hóa chất, phân bón, dệt may, da giầy.
![]() |
Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế VAT cứu doanh nghiệp. Ảnh: Hoàng Lan |
Để tạo điều kiện cho sản xuất cơ khí phát triển và đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, Bộ Công Thương đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội áp dụng mức thuế suất VAT 5% cho các động cơ dưới 30 cv. Bộ giải thích, đây là nhóm sản phẩm mà các doanh nghiệp cơ khí Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ nội địa hóa trên 90% và là sản phẩm chủ yếu phục vụ cho nông dân sản xuất.
Do doanh nghiệp đang ở giai đoạn khó khăn, Bộ cho rằng cần có cơ chế vốn cho hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản. Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được một số cơ chế để khai thác chế biến muối mỏ tại Lào. Do khoáng sản tồn kho cao, Bộ đề nghị cho phép xuất khẩu một số sản phẩm khoáng sản để gỡ khó cho doanh nghiệp.
Theo báo cáo công bố ngày 1/10 của Bộ Công Thương, hàng tồn kho của doanh nghiệp còn cao so với cùng kỳ năm trước. Tính đến 1/9, chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tồn kho tăng trên 40% tập trung ở nhóm sản xuất vật liệu xây dựng như: sản xuất xi măng, sắt, thép, gang. Khó khăn lớn trong sản xuất công nghiệp hiện nay vẫn là nhu cầu vốn tăng cao do mặt bằng giá các yếu tố sản xuất tăng, nhưng tiếp cận nguồn vốn tín dụng vẫn còn hạn chế, ảnh hưởng đến sản xuất và hiệu quả đầu tư kinh doanh.
Cũng tại buổi họp giao ban chiều 1/10, ông Nguyễn Thanh Hòa, Vụ phó Vụ kế hoạch, Bộ Công Thương cho hay, trước tình cảnh khó khăn của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị gỡ khó cho doanh nghiệp, tập trung giải pháp tháo gỡ cho các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Sắp tới Bộ sẽ xây dựng một thỏa ước để các tổng công ty, tập đoàn tiêu tiêu thụ các sản phẩm của nhau để tránh lượng hàng tồn lớn. "Dự kiến Bộ Công Thương sẽ tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến của các sở công thương trong việc tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp", ông Hòa nói.
Trần Tiến