Sau hơn một giờ đọc bản án với hành vi của từng bị cáo, HĐXX tuyên cả 8 người đã phạm tội Tham ô tài sản, theo điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015. Ở vai trò chủ mưu, ông Trịnh Xuân Thanh (cựu chủ tịch HĐQT Tổng công ty Xây lắp Dầu khí – PVC) bị tù chung thân, phạt bổ sung 50 triệu đồng. Trước đó, ngày 22/1, ông Thanh đã lĩnh án tù chung thân do cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Ông Đinh Mạnh Thắng (cựu chủ tịch HĐQT Công ty Dầu khí Sông Đà – em trai ông Đinh La Thăng) bị phạt 9 năm tù; bà Thái Kiều Hương (cựu phó tổng giám đốc công ty Vietsan) 10 năm tù; Đào Duy Phong (cựu chủ tịch PVP Land) 16 năm tù, phạt bổ sung 30 triệu đồng; Nguyễn Ngọc Sinh (cựu tổng giám đốc PVP Land) 13 năm tù, phạt bổ sung 20 triệu đồng; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy (môi giới tự do) 10 năm tù; Lê Hòa Bình (xét xử vắng mặt, cựu chủ tịch HĐQT công ty CP xây dựng 1/5) 8 năm tù, tổng hợp với bản án tù chung thân cũ là tù chung thân; Nguyễn Thị Kim Thoa (cựu kế toán trưởng công ty 1/5) án 6 năm tù, tổng hợp với hình phạt tù chung thân của bản án cũ là tù chung thân.
HĐXX cho hay, ông Thanh được xem xét tình tiết giảm nhẹ do tại phiên tòa đã phần nào nhận thức được sai phạm, hoàn lại tiền tham ô. Ông Thắng hưởng lợi số tiền đặc biệt lớn nhưng đã khai nhận, hậu quả đã khắc phục nên được giảm nhẹ một phần hình phạt; các bị cáo khác cũng vậy.
Bản án nhận định có đủ căn cứ kết luận bị cáo Thanh là người quyết định và chỉ đạo cho chuyển nhượng hơn 12 triệu cổ phần của PVP Land tại Công ty Xuyên Thái Bình Dương cho Lê Hòa Bình với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn giá trị thực của dự án (52 triệu đồng/m2) với mục đích chiếm đoạt số tiền chênh lệch.
Ông Thanh được chia hưởng 14 tỷ đồng, nhận vali tiền do ông Thắng chuyển cho lái xe của mình.
Theo tòa, các bị cáo, nhân chứng, người liên quan đều có lời khai phù hợp, dù bị cáo Thanh không thừa nhận thì HĐXX có đủ cơ sở kết luận về hành vi này.
Bản án khẳng định các luận cứ bào chữa của các luật sư đều "không có căn cứ được chấp nhận". Các luật sư, bị cáo nhầm lẫn về khái niệm ‘tài sản nhà nước’ nên mới việc cho rằng không có hành vi phạm tội tham ô tài sản. "Chỉ cần có 1% tài sản nhà nước cũng là tham ô tài sản", bản án khẳng định và cho rằng các bị cáo đã gây thiệt hại 87 tỷ đồng cho doanh nghiệp có cổ phần tài sản của nhà nước.
Bản án một lần nữa khẳng định không có chuyện bỏ lọt tội phạm như một số luật sư nêu. Ngay từ đầu phần xét hỏi, các bị cáo đều khẳng định giữ nguyên lời khai ở cơ quan điều tra. Sau đó, tại phiên tòa, các bị cáo thay đổi lời khai nhưng không đưa ra được lý do. "Vì thế, việc thay đổi này không được chấp nhận", bản án nêu.
Theo TAND Hà Nội, hành vi chiếm đoạt tài sản của các bị cáo Trịnh Xuân Thanh, Đào Duy Phong, Nguyễn Ngọc Sinh và hành vi giúp sức của Đinh Mạnh Thắng, Thái Kiều Hương, Lê Hòa Bình, Nguyễn Thị Kim Thoa, Huỳnh Nguyễn Quốc Duy đã đủ căn cứ cấu thành tội Tham ô tài sản, theo khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự năm 1999. Tuy nhiên, căn cứ nghị quyết số 41 ngày 20/6/2017 về việc áp dụng Bộ luật Hình sự năm 2015 theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội, hành vi tham ô tài sản của các bị cáo được áp dụng xét xử theo điểm a, khoản 4 Điều 353 Bộ luật Hình sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018). |