Bộ Công an đang trình Chính phủ dự án xây dựng căn cước công dân mới, với loại thẻ có gắn chip thay cho thẻ mã vạch như hiện nay.
Đồng tình áp dụng công nghệ mới vào thẻ căn cước công dân, tiến tới mọi người có thể cầm chiếc thẻ tích hợp các loại dịch vụ bảo hiểm, bằng lái, thẻ xe buýt..., nhưng TS Nguyễn Trường Thắng, Viện trưởng Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng cần cân đối giữa xu thế, sự cần thiết và chi phí phải bỏ ra để cấp thẻ gắn chip.
"Việt Nam đã chủ động được công nghệ nên chi phí sản xuất rẻ hơn so với trước, tuy nhiên giai đoạn này nếu làm thì chỉ mấy triệu người dùng, còn mấy chục triệu người ở nông thôn chưa dùng đến nên nó là bài toán lớn cần cân đối giữa xu thế và chi phí", ông Thắng nói.

Cảnh sát quản lý hành chính, Công an Hà Nội lấy dấu vân tay khi làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân. Ảnh: Giang Huy
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội, cho rằng việc cấp thẻ căn cước gắn chip sẽ giúp giảm bớt giấy tờ, thủ tục cho người dân và thuận tiện hơn trong công tác quản lý nhà nước. Đây là xu thế quản lý bằng công nghệ mà nhiều nước trên thế giới đã làm.
Tuy nhiên, theo ông Hồng, khi triển khai dự án mới sẽ tốn kém, đầu tư chi phí ban đầu lớn. Đơn cử dự án làm thẻ căn cước và xây dựng dữ liệu cư dân quốc gia hiện tổng mức đầu tư hơn 3.000 tỷ đồng, con số để làm thẻ gắn chip chắc chắn sẽ cao hơn, nên trước khi thực hiện cần cân nhắc kỹ.
Tướng Hồng cũng cho rằng, vấn đề mấu chốt hiện nay là Bộ Công an phải xây dựng đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. "Vì chỉ khi hệ thống này hoàn thiện, kết nối được với các hệ thống dữ liệu của ngành khác thì việc dùng thẻ gắn chip mới hiệu quả", ông Hồng nói.

Thẻ căn cước công dân hiện nay được thiết kế bằng thẻ nhựa có chứa khoảng 20 thông tin. Ảnh: Phương Sơn
Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an), đề xuất gắn chip điện tử trên thẻ căn cước công dân chỉ triển khai khi Chính phủ thông qua và cấp vốn. Dự kiến nếu được chấp thuận, từ nay đến tháng 11 các thủ tục về thẩm định, đấu thầu, xây dựng hệ thống sẽ hoàn thiện và có thể cấp căn cước mới cho công dân.
"Việc sản xuất thẻ căn cước mới (nếu có) phải tuân thủ quy trình và được các đơn vị chức năng thẩm định, đạt chuẩn về an ninh và bảo mật", vị này nói.
Trong 63 năm, loại giấy tờ tùy thân của công dân có 5 lần thay đổi. Lần đầu tiên người dân được cấp chứng minh thư 9 số là năm 1957, lần đổi tiếp theo vào 1964, 1999; năm 2012 chuyển sang 12 số và đến năm 2016 bắt đầu cấp thẻ căn cước công dân có mã vạch ở mặt sau.
Theo Luật Căn cước công dân 2014, người từ đủ 14 tuổi được cấp thẻ căn cước công dân và phải được đổi khi đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi.