B-52
B-52H, có biệt danh BUFF (Big Ugly Fat Fellow: Gã béo xấu xí), là máy bay ném bom chủ chốt trong kho vũ khí của không lực Mỹ. Đây là loại máy bay duy nhất được sử dụng để chở tên lửa hành trình. Nó có khả năng tấn công tầm xa, bay nhanh ở độ cao tới 15.000 m.
Với tổng khối lượng hơn 221.000 kg, B-52H là một trong những chiếc máy bay quân sự tấn công nặng nhất thế giới. Tốc độ tối đa của B-52H là 1.028 km/h, ở độ cao 6.309 m.
B-1
B-1B là một máy bay ném bom tầm xa, đa chức năng, có thể thực hiện những chuyến bay xuyên lục địa mà không cần tiếp nhiên liệu, sau đó chọc thủng hàng phòng thủ tinh vi của đối phương. Nó cũng có khả năng chuyên chở các vũ khí truyền thống trong hoạt động chiến trường.
Nhờ các thiết bị điện tử, hệ thống tia hồng ngoại cảnh báo và xác định radar, B-1B có một hệ thống tự phòng vệ khá hoàn hảo.
B-2 Spirit
B-2 Spirit là loại máy bay ném bom đa chức năng, có khả năng chuyên chở cả bom truyền thống và hạt nhân. Cùng với B-52 và B-1B, B-2 có khả năng chiến đấu cơ động và hiệu quả. Nhờ đặc tính tàng hình, nó thừa sức chọc thủng hàng phòng thủ tinh vi nhất của đối phương và đe dọa những mục tiêu được bảo vệ chắc chắn nhất. Đây là một loại máy bay có vai trò chiến đấu hiệu quả, sang cả thế kỷ 21.
B-3 - loại máy bay tấn công của tương lai
Theo kế hoạch hiện giờ, B-52, cùng với loại máy bay trẻ tuổi hơn là B-1B Lancer và B-2 Spirit, sẽ được sử dụng cho đến khoảng năm 2037. Khi đó, không lực Mỹ tính rằng sẽ phi đội của họ sẽ còn khoảng 170 máy bay. B-52 có thể được sử dụng cho tới năm 2045.
Máy bay ném bom hạng nhẹ là một loại phi cơ kích cỡ trung bình, vừa có ưu thế của một máy bay chiến đấu chiến thuật, vừa là một máy bay ném bom chiến đấu tầm trung và tầm xa. Mỹ hy vọng tận dụng công nghệ tàng hình để tạo ra một loại phi cơ giá thấp, hữu hiệu, có khả năng chuyên chở nhiều loại vũ khí. Ước tính chỉ riêng chi phí nghiên cứu và phát triển máy bay B-3 cũng đã tiêu tốn hơn 35 tỷ USD.
HyperSoar - một dự án tham vọng
Một chiếc HyperSoar có kích thước bằng một máy bay B-52, có thể cất cánh từ Mỹ và chở hàng tới bất cứ nơi nào trên trái đất, rồi trở về Mỹ mà không phải tiếp nhiên liệu hay dừng ở các căn cứ nước ngoài. HyperSoar có thể bay ở tốc độ chừng 10.782 km/h, trong khi mang trên mình tải trọng gấp hai lần một chiếc máy bay loại khác có cùng khối lượng.
HyperSoar có khả năng lướt trên bề mặt trái đất giống như viên sỏi trượt qua mặt nước. Một chiếc HyperSoar sẽ bay lên độ cao chừng 39.600 m - lướt bên ngoài bầu khí quyển của trái đất, rồi tắt động cơ, và trở về bề mặt khí quyển. Sau đó, nó lại bật máy và trở lại không gian. Quá trình này có thể lặp đi lặp lại cho đến khi máy bay đến đích.
Tính cả thời gian và quãng đường bay lên và xuống như vậy, khi thực hiện một chuyến đi từ Chicago tới Tokyo (10.123 km), HyperSoar sẽ cần 18 cú nhảy và mất 72 phút. Còn bay từ Los Angeles tới New York sẽ mất 35 phút và 5 cú nhảy.
Bằng cách nhảy ra khỏi bầu khí quyển như vậy và sử dụng động cơ không thường xuyên, HyperSoar sẽ dùng ít nhiên liệu hơn và giảm bớt hơi nóng tích lũy ở khung máy bay - một vấn đề hiện đè nặng lên các dự án phi cơ có vận tốc cực lớn khác.
Minh Châu (theo Global Security)