Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, trong đó đề xuất bỏ hình phạt tử hình với 8/18 tội danh (chiếm 44,44%). Trong số này, 7 tội dự kiến có hình phạt cao nhất được thay bằng hình phạt "tù chung thân không xét giảm án" (vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội), tội còn lại thay bằng tù chung thân.
Bộ Công an giải thích sau hơn 8 năm thi hành Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) tình hình đất nước đã có nhiều thay đổi lớn về mọi mặt, nên bộ luật bộc lộ nhiều vướng mắc. Đặc biệt là các quy định về hình phạt tử hình còn nhiều bất cập; các mức định lượng và loại hình phạt trong khung có mức hình phạt cao nhất là tử hình ở một số tội danh còn tương đối rộng. Từ đó dẫn đến căn cứ để tuyên hình phạt tử hình gặp khó khăn trên thực tế.
>> Các tội được đề xuất bỏ án tử hình
Theo ông Nguyễn Hữu Thế Trạch (Tiến sĩ Luật Hình sự, Giám đốc Công ty Anphana Law Firm), đề xuất này của Bộ Công an thể hiện bước đi tiến bộ, hợp lý trong cải cách tư pháp và tôn trọng quyền con người, phù hợp với thực tiễn xét xử, chính sách hình sự hiện đại và bối cảnh hội nhập quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam tham gia công ước quốc tế về quyền con người, trong đó có Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) từ năm 1982, tuân thủ các nguyên tắc bảo vệ quyền sống - quyền tối cao của con người. Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị cũng đặt ra yêu cầu tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng giảm dần hình phạt tử hình, tăng cường bảo vệ quyền con người.
"Gần 30 năm hoạt động trong nghề luật, tôi thấy thực tiễn xét xử các vụ án Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, Phá hoại cơ sở vật chất kỹ thuật, sản xuất, Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh... thì tòa gần như không áp dụng án tử hình, nên việc cân nhắc loại bỏ hình phạt này là phù hợp", ông Trạch nói.

Trần Nguyễn Hồng Lĩnh (áo đen) bị TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt án tử hình về hành vi Vận chuyển trái phép chất ma túy, tháng 9/2022. Ảnh: Đức Hùng
Đồng quan điểm, luật sư Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh tòa Hình sự TAND TP HCM, được biết đến là thẩm phán từng tuyên nhiều án tử hình nhất nước) cho rằng, việc giảm bớt án tử hình là xu thế chung của nền tư pháp trên toàn thế giới cũng như ở nước ta. "Thay vì tử hình, dự thảo đề xuất hình phạt 'tù chung thân không xét giảm án' là phù hợp vì cũng là cách ly vĩnh viễn ra khỏi xã hội mà không phải tước đoạt mạng sống của một người. Điều này thể hiện quyền con người là một trong các Điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia", ông Long nói.
Đối với những tội danh như Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, Gián điệp, cựu thẩm phán hình sự cho rằng, việc quy định án tử hình đều rất cần thiết vào giai đoạn đầu khi đất nước mới được thống nhất. Tuy nhiên hiện nay, tình hình an ninh quốc gia đã vững mạnh, ổn định - thế trận cảnh giác trong nhân dân được tăng cường nên loại tội phạm này cũng không cần thiết phải áp dụng hình phạt tử hình.
'Đủ răn đe, tăng thu hồi tài sản tối đa'
Theo ông Vũ Phi Long, nếu áp dụng hình phạt tù chung thân không giảm án thay cho tử hình đối với một số tội danh, đặc biệt là tội phạm kinh tế, tham nhũng, sẽ tạo điều kiện cho việc thu hồi tài sản, bồi thường thiệt hại, bảo vệ lợi ích Nhà nước và nhân dân.
"Bởi một lẽ thường tình, khi đã bị tử hình thì mọi việc đều chấm dứt. Bản thân người bị tuyên án tử cũng như người thân của họ đều tuyệt vọng về sự sống còn của bị án, dễ dẫn tới tâm lý bỏ mặc việc khắc phục hậu quả, truy tìm tài sản để bồi thường thiệt hại và nhiều vấn đề khác", ông Long phân tích.
Lấy thực tiễn là chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ án Epco-Minh Phụng, ông Long cho biết, bị án Tăng Minh Phụng bị tử hình thì mọi vấn đề án đã tuyên đều bị chấm dứt. Riêng bị án Liên Khui Thìn được ân xá, trong thời gian không phải tuyệt vọng về án tử hình, ông này đã tập trung khá nhiều công sức trong việc thu hồi tài sản (qua các vụ kiện vừa qua mà tòa án đang thụ lý giải quyết) để khắc phục thiệt hại. Mặt khác ông Thìn cũng có nhiều đóng góp cho xã hội được ghi nhận.
"Tính răn đe tội phạm của pháp luật không phải xuất phát ở từng vụ án, từng con người phạm tội riêng biệt có án tử hình mà phải từ toàn bộ hệ thống pháp luật hình sự. Bất kỳ tội phạm nào cũng không thể thoát được sự trừng phạt của pháp luật. Việc giảm hoặc tăng các tội phạm có án tử hình không có tác động nhiều đến tính răn đe của tội phạm đặc biệt nghiêm trọng", ông Long nêu quan điểm.
Cựu thẩm phán cũng cho biết, trước đây ông từng tuyên án đến 300 án tử hình nhưng những loại tội phạm đó không giảm mà ngược lại còn tăng. Cụ thể như án Giết người, Ma túy, Tham ô tài sản với quy mô lớn hơn rất nhiều.
Vấn đề này đã được phân tích khá nhiều trong các đợt hội thảo trước đây khi đề cập đến việc bỏ một số tội danh có án tử hình như Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Cướp tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy...

Bà Trương Mỹ Lan là tử tù mới nhất ở tội Tham ô tài sản. Ảnh: Quỳnh Trần
Cùng góc nhìn, luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch cho biết từng tham gia các hội thảo của ngành tòa án và VKS về vấn đề "bỏ án tử hình" ở một số tội danh, có nhiều ý kiến bày tỏ e ngại nếu bỏ hình phạt này sẽ làm suy giảm hiệu quả răn đe tội phạm, nhất là đối ở tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ trong bối cảnh Đảng và Nhà nước quyết liệt đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, với ông Trạch, việc bỏ hình phạt tử hình ở hai tội này vẫn đủ răn đe, trừng trị tội phạm mà còn đảm bảo tính nhân đạo và góp phần tăng cường hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, bảo vệ lợi ích của Nhà nước và nhân dân, đồng thời phù hợp với xu hướng xử lý tội phạm kinh tế trên thế giới.
"Mục tiêu cao nhất của việc xử lý tội phạm kinh tế - tham nhũng là khôi phục lại tài sản công, chứ không chỉ là trừng trị. Án tử hình có thể đáp ứng yêu cầu về trừng trị nhưng không mang lại giá trị khắc phục hậu quả, thậm chí còn gây thất thoát tài sản vĩnh viễn do bị che giấu, tẩu tán", ông Trạch nêu quan điểm.
Đề xuất này còn đặc biệt có tối ưu với các tội phạm tham nhũng, khi thúc đẩy khả năng thu hồi tài sản cho Nhà nước, tạo cơ hội "mở khóa" khối tài sản bị chiếm đoạt, thúc đẩy hợp tác tố tụng, từ đó nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản cho Nhà nước - điều mà theo Tiến sĩ Trạch, án tử hình đơn thuần không làm được.
Nói rõ hơn về quan điểm này, ông Trạch cho rằng, việc áp dụng hình phạt tử hình đã làm triệt tiêu động lực hợp tác và khắc phục hậu quả. Do khi đối mặt với án tử hình, người phạm tội khó có động lực để khai báo, hợp tác điều tra hay nộp lại tài sản, vì dù có khắc phục hay không, họ vẫn đối diện án cao nhất. Trái lại, nếu thay bằng án tù chung thân không xét giảm án, và có cơ chế khoan hồng (như giảm nhẹ nếu nộp lại từ 3/4 tài sản chiếm đoạt) thì người phạm tội sẽ có động lực lớn để tự nguyện nộp lại tài sản nhằm được cứu xét hình phạt.

Cao ốc Times Square (màu xanh bên phải) trên Phố đi bộ Nguyễn Huệ quận 1, TP HCM, là một trong hàng nghìn bất động sản bị kê biên, phong tỏa trong đại án Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Quỳnh Trần
'Hình phạt tử hình không răn đe tội phạm hơn án tù chung thân'
Ở nhóm tội danh khác, luật sư Vũ Tiến Vinh (Giám đốc công ty Luật Bảo An, Hà Nội) cho rằng, thực tế một số tội dù giữ hình phạt tử hình (như Sản xuất, Mua bán, Vận chuyển trái phép chất ma túy) thì tình hình tội phạm lĩnh vực này vẫn diễn biến phức tạp, quy mô ngày càng lớn, tính chất manh động ngày càng cao. Điều đó cho thấy hình phạt tử hình không thực sự có hiệu quả răn đe.
Bài học từ các nước Bắc Âu đã bỏ hẳn hình phạt tử hình, kể cả với tội liên quan ma túy, hay giết người, song tỷ lệ tội phạm rất thấp. Như vậy, Nhà nước cần thực hiện, sử dụng nhiều công cụ để đấu tranh, phòng ngừa tội phạm như tạo sinh kế, thúc đẩy an sinh xã hội chứ không chỉ tiếp cận theo hướng trừng phạt nặng người phạm tội để nhằm kéo giảm tội phạm.
Theo ông Nguyễn Hữu Thế Trạch, các nghiên cứu của Văn phòng Liên hợp quốc về Ma túy và Tội phạm (UNODC) và Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc cho thấy không có bằng chứng thuyết phục nào chứng minh hình phạt tử hình hiệu quả hơn án tù chung thân trong việc răn đe tội phạm. Việc thay tử hình bằng tù chung thân không ân giảm vẫn bảo đảm loại bỏ đối tượng nguy hiểm khỏi xã hội.
"Hình phạt chỉ là một yếu tố; tính nghiêm minh, công khai, minh bạch và hiệu quả thực thi pháp luật mới quyết định năng lực phòng ngừa tội phạm", ông Trạch nói.
Bộ Công an dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua dự án Bộ luật Hình sự (sửa đổi) theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 10, khóa 15 vào tháng 10.
Hôm 5/4, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã chủ trì Hội đồng thẩm định dự án. Tại đây, đại diện Văn phòng Chủ tịch nước và đại diện VKSND Tối cao đồng tình với chủ trương loại bỏ hình phạt tử hình và thay thế bằng tù chung thân không xét giảm án đối với một số tội danh, song cần cân nhắc toàn diện hơn, dựa trên cả lý luận và thực tiễn đối với một số tội đặc biệt nghiêm trọng như: Vận chuyển trái phép chất ma túy, Tham ô tài sản, Nhận hối lộ.
Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị cân nhắc kỹ lưỡng ở hai tội Tham ô tài sản và Nhận hối lộ do có liên quan trực tiếp đến công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay. Trên thực tế, hình phạt nghiêm khắc và các quy định nghiêm ngặt đối với các hành vi này đã góp phần tạo ra hiệu quả rõ rệt trong việc thu hồi tài sản tham nhũng.
Quốc Thắng - Hải Thư - Hải Duyên