Ferraz chia sẻ từng thử nghiệm ăn thuần chay trước đó, song cảm thấy chế độ này không phù hợp với bản thân. Khi ấy, cô chỉ tiêu thụ các sản phẩm từ thực vật, không ăn cá hay thịt đỏ. Ferraz gặp các vấn đề về đường ruột, triệu chứng đầy hơi khi ăn chay, luôn cảm thấy mệt mỏi. Ngày nào cô cũng bị đau khớp hàm, đau xoang mũi và nhức đầu.
Sau một thời gian, cô quyết định chuyển sang chế độ toàn thịt, ăn nhiều bít tết, trứng, các món có nguồn gốc động vật khác. Ferraz đôi khi còn ăn một thanh bơ sống.
"Mọi thứ đều tuyệt vời hơn khi ăn theo chế độ 'dành cho động vật ăn thịt' này. Tóc, răng, móng tay của tôi trở nên khỏe mạnh. Cơ thể tôi tiêu hao viêm nhiễm, tôi có nhiều năng lượng hơn, không còn bị đầy hơi, mụn cũng biến mất", cô nói.
Kể từ khi từ bỏ các loại sữa hạt, Ferraz tuyên bố cô không còn gặp tình trạng trứng cá, đau khớp, phân không còn có mùi hôi khó chịu, có thể ngừng điều trị bằng thuốc suy giáp.
"Đối với tôi, mỗi ngày đều khác nhau vì cơ thể cho bạn biết nó cần gì. Hiện tại, tôi ăn sườn, thịt thăn, ba chỉ, nhiều trắng, thịt xông khói, chả, mỡ động vật cho các bữa sáng và tối. Tôi hoàn toàn loại bỏ trái cây, carbs và đường chế biến khỏi thực đơn, cũng không ăn rau", Ferraz cho biết.
Hiện Ferraz không gặp vấn đề với chế độ ăn của mình, song các chuyên gia cho rằng thực đơn toàn thịt có thể không an toàn, thậm chí gây bệnh đối với một số người. Theo Healthline, chưa có nghiên cứu cho thấy chỉ ăn thịt có thể giúp loại bỏ các vấn đề sức khỏe. Cơ thể người cần thêm nhiều loại chất dinh dưỡng có lợi như xơ, hợp chất thực vật và chất chống oxy hóa.
Trước đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng xếp thịt đỏ và nhóm các thực phẩm có thể gây ung thư. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng tiêu thụ quả nhiều thịt dẫn đến ung thư đường ruột.
Các loại thịt gia cầm, còn gọi là thịt trắng, cũng làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể, giống như thịt bò. Nghiên cứu đăng trên American Journal of Clinical Nutrition cho thấy lượng cholesterol xấu có thể tăng lên nếu tiêu thụ nhiều thịt gia cầm.
Ở nhiều quốc gia, vật nuôi được sử dụng thuốc kháng sinh để thúc đẩy tăng trưởng hoặc ngăn ngừa bệnh tật. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh trong sản xuất thịt góp phần gây tình trạng kháng kháng sinh cả ở người, khiến việc điều trị nhiễm khuẩn trở nên khó khăn hơn.
Dù là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào, thịt vẫn thiếu một số vi chất quan trọng, chỉ có trong các nhóm thực phẩm khác, chẳng hạn chất xơ, một số loại vitamin như vitamin C và khoáng chất như kali. Việc chỉ ăn thịt trong thời gian dài có thể dẫn đến thiếu hụt chất dinh dưỡng và các vấn đề sức khỏe liên quan.
Các chuyên gia khuyến nghị trước khi thay đổi thói quen ăn uống, hạn chế một nhóm thực phẩm nhất định, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ dinh dưỡng uy tín. Họ có thể giúp bạn tạo dựng thực đơn cân bằng, bền vững, phù hợp với mục tiêu sức khỏe.
Thục Linh - Lập Nguyễn (Theo NY Post)