Trưa 19/8, tỉnh lộ 827 qua xã Hiệp Thạnh (huyện Châu Thành) vắng vẻ do đang giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, tuy nhiên, phía bên trong kho Vạn Phát Thành tiếng máy vẫn chạy đều đều. Gần 80 công nhân đang hối hả xếp thanh long vào thùng đóng gói, cho vào kho lạnh.
Anh Nguyễn Trung Kỳ, quản lý kho cho hay, ngày bình thường tại kho xuất 2-5 container loại 20 tấn. Tuy nhiên, những ngày này do hàng ít, nên cách 2-3 ngày mới xuất khoảng 1-2 container. Hơn tháng qua, công nhân thực hiện phương án "3 tại chỗ", đồng thời phải có kết quả test nhanh âm tính gây tốn kém nhiều chi phí.
"Kể từ hôm nay (20/8), công nhân được địa phương hỗ trợ test nhanh miễn phí, tạo điều kiện cho kho thu mua, vận chuyển thuận tiện hơn", anh Kỳ nói. Quản lý kho cũng cho hay, dù quy định "3 tại chỗ" đã dỡ bỏ, tại kho vẫn yêu cầu các công nhân ở lại để đảm bảo an toàn cho sản xuất. Sau một ngày làm, họ sẽ thu dọn kho, dùng các tấm pallet nhựa kê làm giường để nghỉ qua đêm.
Ông Nguyễn Lê Trường, Chủ tịch xã Hiệp Thạnh cho hay, xã có 18 kho, hiện có 6 kho hoạt động với trên 300 công nhân. Toàn xã có 2.000 ha, trong 10 ngày tới sẽ thu hoạch vụ chính thức với khoảng 5.000 tấn thanh long. Hiện tại thanh long ruột đỏ giá 8.000-10.000 đồng một ký, ruột trắng hơn 5.000 đồng một ký.
Bốn hôm nay, xã đã được cấp 3.600 bộ kit test nhanh, ngoài xét nghiệm cộng đồng, địa phương đã test nhanh đầu vào, đầu ra định kỳ 3 ngày một lần cho các kho thu mua. "Mỗi kho được cấp một mã QR cùng danh sách công nhân, chúng tôi cử cán bộ xuống từng kho lẫn nhà trọ kiểm tra để dễ quản lý", ông Trường nói.
Châu Thành là "thủ phủ" thanh long của Long An với khoảng 8.100 ha (toàn tỉnh 11.800 ha). Huyện có gần 5.000 công nhân, chủ yếu chăm sóc, sơ chế tại các kho thanh long. Cuối tháng 7, địa phương này vào cao điểm thu hoạch 15.000 tấn thanh long. Tuy nhiên, UBND huyện yêu cầu các kho muốn hoạt động phải thực hiện "3 tại chỗ" và công nhân có kết quả PCR âm tính. Do các kho chờ kết quả xét nghiệm của công nhân dẫn đến chậm thu mua cho nông dân.
Sau đó, UBND huyện bỏ quy định "3 tại chỗ" trước khi test nhanh âm tính miễn phí cho công nhân. Huyện này đang thuộc "vùng cam", tức có mức nguy cơ cao với khoảng 270 ca nhiễm.
Ông Nguyễn Văn Khải, Chủ tịch UBND huyện Châu Thành cho biết, bắt đầu từ hôm nay, 120 kho thanh long trên địa bàn sẽ khởi động trở lại cho vụ thu hoạch mới, dự kiến sản lượng khoảng 19.000 tấn. Hiện cửa khẩu Việt Nam – Trung Quốc đã thông thương, cùng với việc tạo điều kiện cho việc tiêu thụ tại huyện, nên giá thanh long hiện đã cao hơn 2.000-5.000 đồng một ký so với một tháng trước, bình quân khoảng 7.000-8.000 đồng một ký.
Hiệp hội Thanh long Long An cho biết, năm ngoái, tỉnh xuất khẩu khoảng 300.000 tấn, chủ yếu sang Trung Quốc với doanh thu đạt gần nửa tỷ USD. Hiện, do phải giãn cách xã hội, công nhân không thể ra đồng chăm sóc nên trái có phần xấu hơn trước. Ngoài ra, sức tiêu thụ chậm, nên sản lượng thanh long xuất khẩu trong tháng 7 và 8 giảm gần 50% so với cùng kỳ năm trước, chỉ khoảng 10.000 tấn.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội nhận định, Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, về lâu dài nhà nước nên có kênh hỗ trợ cho thương lái nước ngoài trực tiếp đến địa phương thu mua, tạo điều kiện cho họ lưu trú, đi lại thuận tiện.
Đến nay, Long An ghi nhận hơn 17.000 ca nhiễm, trong đó 207 ca tử vong. Cùng với nhiều địa phương miền Tây, tỉnh này áp dụng Chỉ thị 16 đến cuối tháng 8.
Hoàng Nam