Hôm 24/9, Ủy ban Chứng khoán Mỹ (S.E.C) cho biết thương hiệu ôtô Đức đã báo cáo sai sự thật về doanh số thực tế nhằm đạt được mục tiêu hàng tháng trong thời gian 2015-2019.
Cuối tháng 12/2019 từng xuất hiện thông tin BMW bị S.E.C điều tra về hành động thiếu trung thực. Hãng bị cho là ký gửi xe ở đại lý thay vì mua đứt bán đoạn. Cụ thể, đại lý báo cáo là xe đã bán nhưng thực tế vẫn nằm trong kho. Những chiếc xe này sau đó cũng được bán nhưng dưới dạng xe đã qua sử dụng, với số công-tơ-mét rất ít.
Mục đích chính của việc này là các hãng sản xuất đưa ra được những con số đẹp - yếu tố giúp họ dễ thu hút các nhà đầu tư. Doanh số đẹp cũng giúp BMW duy trì vị thế dẫn đầu trong số các hãng xe sang.
BMW đã đưa ra thông tin sai lệch trong nỗ lực kêu gọi khoảng 18 tỷ USD qua nhiều đợt chào bán trái phiếu. Stephanie Avakian, giám đốc ủy ban thi hành thuộc S.E.C cho biết: "Các hãng tham gia vào thị trường Mỹ nhằm huy động vốn sẽ phải cung cấp thông tin đúng đắn cho các nhà đầu tư".
BMW Bắc Mỹ cũng điều chỉnh lịch báo cáo bán hàng trong năm 2015 và 2017 để đáp ứng các mục tiêu nội bộ hoặc "để dành" doanh số dư nhằm sử dụng trong những tháng tiếp theo, theo S.E.C. Hành động này thường được ví như "lọ kẹo ngọt", một thủ thuật tài chính nhằm để dành lợi nhuận. Khi hãng xe rơi vào tình trạng nguy hiểm, không đạt doanh số mục tiêu, hoặc biểu đồ doanh số giảm, họ sẽ thò tay vào lọ kẹo ngọt và lấy doanh số cũ ra báo cáo.
S.E.C nói rằng BMW đã hợp tác điều tra, thậm chí dịch Covid-19 khiến hãng phải đóng cửa các văn phòng và nhân viên phải ở nhà. Sự hợp tác đã được xem xét khi mức phạt được đưa ra.
Hiện cả BMW AG, BMW Bắc Mỹ và BMW US Capital không thừa nhận hay phủ nhận sự việc trên. Nhưng cả ba đều đã đồng ý trả tiền phạt cũng như dừng việc vi phạm luật chứng khoán.
BMW là hãng ôtô thứ hai trong vài năm qua phải đối mặt với án phạt do thổi phồng doanh số. Trong 2019, Fiat Chrysler cũng đã đồng ý trả 40 triệu USD trong vụ việc tương tự với thời gian vi phạm cũng là 5 năm, 2012-2016.
Mỹ Anh (theo AP)