Hành động trên được cho là khá quen thuộc trong ngành công nghiệp ôtô. Cụ thể, đại lý báo cáo là xe đã bán nhưng thực tế vẫn nằm trong kho. Những chiếc xe này sau đó cũng được bán nhưng dưới dạng xe đã qua sử dụng, với số công-tơ-mét rất ít.
Cách làm khá điển hình khi ai đó muốn tăng khống doanh số, và đôi khi được chính các nhà sản xuất yêu cầu. Đó là những hãng muốn giữ biểu đồ doanh số theo hướng đi lên, hoặc để vượt đối thủ về số xe bán được. Những con số đẹp sẽ dễ thu hút các nhà đầu tư hơn. BMW từng sử dụng cách này trước đây và cũng từng khiến các đại lý nổi giận.
Hãng xe Đức khẳng định việc bị điều tra, nhưng không đề cập chi tiết. S.E.C. cũng giữ kín nội dung khi chỉ nói với CNBC, rằng "chưa thể khẳng định hay phủ nhận sự tồn tại hay không của việc điều tra".
BMW từng nói rằng, họ không còn tăng khống doanh số. Tuy nhiên, việc điều tra tập trung vào khả năng này khi các quan chức của S.E.C. từng nêu, các hãng cần "phơi bày một cách trung thực những chỉ số đo lường hiệu quả công việc của mình (KPI)".
BMW có trụ sở ở Bắc Mỹ, tại Woodcliff Lake, bang New Jersey. Hãng từng báo cáo doanh số hơn 25.000 xe bán tại Mỹ trong tháng 10, và gần 3.000 xe dưới thương hiệu con Mini.
Trường hợp tương tự từng xảy ra với hãng xe Pháp Fiat Chrysler Automobiles (FCA). S.E.C. cho biết, hãng này đã trả cho các đại lý để báo cáo doanh số giả mạo và duy trì một "cơ sở dữ liệu thực tế nhưng doanh số không được ghi trong báo cáo", thứ được gọi là một "lọ kẹo ngọt", chỉ một thủ thuật tài chính nhằm để dành lợi nhuận. Khi hãng xe rơi vào tình trạng nguy hiểm, không đạt doanh số mục tiêu, hoặc biểu đồ doanh số giảm, "FCA Mỹ đã thò tay vào 'lọ kẹo ngọt' và lấy doanh số cũ ra báo cáo".
S.E.C nói rằng FCA đã vi phạm các điều khoản chống gian lận, cũng như các điều khoản về báo cáo và lưu trữ sổ sách. FCA quyết định dàn xếp êm thấm mà không thừa nhận cũng như phủ nhận. Hãng đã nộp 40 triệu USD cho S.E.C. vào tháng 9 vừa qua.
Mỹ Anh (theo The Wall Street Journal)