Sự kiện Blackpink biểu diễn tại sân vận động Mỹ Đình (Hà Nội) vào ngày 29 và 30/7 khiến fan K-pop trong nước chú ý. Hai đêm nhạc nằm trong tour Born Pink - khởi động từ cuối năm ngoái, thu về khoảng 163,8 triệu USD, với hơn 900.000 vé tiêu thụ. Con số này giúp chuỗi sự kiện trở thành chuyến lưu diễn của nhóm nhạc nữ có doanh thu cao nhất mọi thời.
Ra mắt năm 2016, nhóm tạo lối đi riêng với âm nhạc mạnh mẽ, đậm chất hip hop, giữa lúc các nhóm nhạc nữ K-pop khác đang chạy theo phong cách tươi trẻ, sôi động.
The Album (2016) - được Consequen of Sound nhận xét "thể hiện phong cách đặc trưng của họ trong việc pha trộn các thể loại để tạo ra những bài hát âm hưởng pop cổ điển". Billboard và Uproxx gọi The Album là một trong những CD hay nhất được phát hành năm 2020, ca ngợi các đĩa đơn như How You Like That, Ice Cream và Lovesick Girls.
Đa phần ca khúc của Blackpink đều do Teddy Park sáng tác, lời đơn giản, có những cụm từ tiếng Anh ấn tượng và catchy (lôi cuốn). Chẳng hạn, "Let's kill this love!" (Hãy giết chết tình yêu này) của Kill This Love hay "How you like that?" (Sao bạn lại trông như vậy chứ?) từng trở thành trào lưu trên mạng xã hội. Những cụm từ vô nghĩa như "Ddu, ddu, ddu, ddu-ddu-ddu", "Rum, pum, pum, pum, pum, pum, pum" dễ gây nghiện.
Tuy nhiên, sau bảy năm ra mắt, âm nhạc của nhóm bị nhận xét đi theo lối mòn, chung một công thức. Trang Sputnik Music cho rằng album mới nhất của họ - Born Pink (phát hành tháng 9/2022) - là "một mớ hỗn hợp các bản nhạc được nhét vào để làm hài lòng người hâm mộ". Sản phẩm kết hợp những ưu thế của nhạc pop phương Tây và giai điệu lãng mạn, vui vẻ của K-pop.
Tháng 9/2022, tạp chí TIME đăng tải bài viết có tiêu đề "Born Pink có tất cả đặc trưng của Blackpink, chỉ thiếu sự tiến hóa". Tác giả Elizabeth de Luna nhận định Blackpink không chỉ gói gọn trong khuôn khổ nhóm nhạc, giờ đây họ là một thương hiệu. Điều này khiến sự phát triển âm nhạc của các thành viên bị hạn chế. "Album đã thất bại trong việc mở ra được những khía cạnh mới cho sự phát triển của bốn cô gái", trang này viết.
Ca khúc nổi bật - Shut Down - bị nhiều chuyên trang nhận xét không phù hợp với Rosé và Jisoo, khiến họ phải cố lên nốt cao ở một số phân đoạn. Trước Born Pink, nhóm chỉ mới phát hành một album phòng thu, còn lại là EP (đĩa đơn mở rộng).
Các màn trình diễn trực tiếp của Blackpink cũng nhiều lần gây thất vọng. Năm 2019, họ là nhóm nữ K-pop đầu tiên trình diễn tại lễ hội âm nhạc lớn nhất hành tinh Coachella (Mỹ), đưa họ vươn tầm quốc tế. Năm 2023, Blackpink quay lại sự kiện với vai trò nghệ sĩ trình diễn chính (headliner), hát 18 ca khúc.
Trong khi hàng nghìn người hâm mộ khen màn trình diễn là "huyền thoại", cựu tổng biên tập tạp chí E-Zine Kim Do Heon nói bốn cô gái nhà YG chưa hoàn thành nhiệm vụ truyền bá Kpop tại lễ hội âm nhạc, mà chỉ hoàn thành lịch trình của mình. Trên Twitter cá nhân, ông nhận xét kỹ năng hát và vũ đạo của nhóm bị hạn chế, sôi động lúc đầu nhưng mệt mỏi, thiếu năng lượng ở phần sau.
Ông nói Bad Bunny - đại diện Mỹ Latin ở sự kiện - làm tốt hơn trong việc truyền tải tinh thần văn hóa đến với thế giới. Theo ông, màn trình diễn chỉ thể hiện Blackpink "xinh đẹp và nổi tiếng", nhưng là "bước thụt lùi về mọi mặt so với năm 2019", "lãng phí vinh quang mà mọi nghệ sĩ đều mơ ước".
Trước đó, màn trình diễn của Blackpink tại VMAs 2022 bị Variety xếp vào một trong những tiết mục tệ nhất. Theo nguồn tin, nhóm quá chú trọng vũ đạo nên đã hát nhép "trắng trợn" tại lễ trao giải.
Khả năng hát live của nhóm nhạc thường được đưa ra bàn tán. Trong những buổi mở màn tour Born Pink ở Seoul (Hàn Quốc) cuối năm ngoái, nhóm bật track đè quá to, giọng hát một số thành viên như Jisoo, Jennie lộ nhiều quãng chênh, phô. Rose được đánh giá là người hát tốt nhất nhóm nhưng không quá nổi trội so với các thần tượng Kpop khác. Jennie thường xuyên mắc lỗi vũ đạo, bị khán giả chê lười nhảy.
Việc tour diễn "cháy vé" và phải chạy show liên tục cũng khiến bốn cô gái thường xuyên lộ dấu hiệu mệt mỏi. Trong buổi diễn ở Melbourne (Australia), Jennie phải rời sân khấu vì lý do sức khỏe. Điểm cộng lớn nhất của họ mỗi lần xuất hiện là nhan sắc, trang phục đẹp.
Time cho rằng độ nổi tiếng nhanh chóng và sức ảnh hưởng của nhóm ở lĩnh vực thời trang khiến sự nghiệp âm nhạc của họ có phần mờ nhạt. Để so sánh, Time dẫn chứng từ khi ra mắt năm 2016 đến nay, Blackpink phát hành hơn 30 bài hát. Trong khi đó, Taylor Swift ra mắt hơn 60 ca khúc từ năm 2017, Doja Cat ít nhất 47 bài từ năm 2018 và Justin Bieber hơn 40 bài từ năm 2020.
Theo Kbizoom, Blackpink có mặt ở mọi sự kiện thời trang lớn nhỏ trong và ngoài nước nhưng ít xuất hiện trên "sàn đấu" K-pop. Họ nhiều lần bị gọi là người mẫu thay vì ca sĩ. Trước khi Born Pink ra mắt, khán giả đùa rằng Blackpink là nhóm nữ duy nhất phải "nhập ngũ", bởi hai năm không ra mắt sản phẩm.
Tạp chí Vogue nhận định giới thời trang "tôn sùng" Blackpink, khiến họ đi ngược lại nhiệm vụ cống hiến cho âm nhạc. Nhóm được mặc những bộ đồ thiết kế riêng khi quảng bá cho đĩa đơn Pink Venom. Trong đoạn rap bài hát, thành viên Lisa diện trang phục và nhắc tên thương hiệu cô làm đại sứ. Ở bài Shut Down, Jennie rap: "Bạn có thấy những chiếc váy này không? Chúng tôi không mua nó, chúng tôi yêu cầu nó", như lời khẳng định cho sự ưu ái của các nhà mốt dành cho ban nhạc, theo Vogue.
Nhiều dấu hiệu cho thấy Born Pink không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật, mà còn là dự án thương mại. Điển hình như ca khúc Ready for Love được phát hành dưới dạng hợp tác với trò chơi điện tử PUBG, trước khi xuất hiện trong album. Game trên điện thoại di động BlackPink The Game ra đời tháng 4, cho người chơi trải nghiệm cuộc sống của một idol. Các sản phẩm áo phông, mũ và nhiều phụ kiện cũng được bán kèm theo CD và sốt lên nhờ chuyến lưu diễn của nhóm.
Anh Nguyễn - Hà Thu