Cụ thể, để sản xuất Bphone cần 6 công đoạn chính, trong đó có đến 4 công đoạn liên quan đến nghiên cứu và thiết kế - mảng chất xám đóng góp lớn nhất trong giá thành của một sản phẩm công nghệ cao. Những công đoạn này đều được thực hiện ở Việt Nam. Ông Lê lấy ví dụ, một chiếc điện thoại của Apple tổng giá trị linh kiện chỉ hơn 200 USD nhưng có những phiên bản họ bán ra lên tới cả nghìn đô.
"Đối với Bphone, tất cả các phần liên quan đến chi tiết cơ khí đều được thực hiện ở Việt Nam thông qua nhà máy cơ khí của chúng tôi. Còn về mainboard, sau khi có thiết kế bảng mạch, chúng tôi sẽ cần in ra. Hiện nay, nhà máy in bảng mạch tốt nhất thế giới lại đặt ở Trung Quốc, buộc lòng Bkav phải thuê đối tác Trung Quốc làm. Tuy vậy, cả mạch in đó chỉ có giá thành 10 USD, chiếm tỷ trọng rất thấp trong toàn bộ Bphone", Phó chủ tịch Bkav nhấn mạnh.
Bkav đã đầu tư vài chục triệu USD cho nghiên cứu, xây dựng nhà xưởng... trong 5 năm để phát triển Bphone từ đầu. Theo ông Tạ Minh Hoàng, Giám đốc sản phẩm di động của Bkav, các kỹ sư của công ty đã phải tính toán để đưa 200 chi tiết điện tử vào trong một thiết bị nhỏ bé như Bphone. Những chi tiết này được bó gọn trong bo mạch mỗi chiều chỉ khoảng 5cm (khoảng 2 đốt ngón tay).
Trong quá trình tìm kiếm các nhà cung cấp linh kiện, nhiều lần đối tác gợi ý sẽ cung cấp sẵn mẫu gia công cho Bkav và công ty chỉ cần "gắn mác" vào và bán ra thị trường. Nhưng ngay từ khi bắt đầu, ông Nguyễn Tử Quảng, CEO của Bkav, đã chỉ đạo đội phát triển Bphone phải kiên trì theo đuổi đến cùng.
Bkav cũng thông báo sẽ tiếp tục mở bán Bphone đợt hai từ 10h đến 22h ngày 25/8. Phiên bản được phân phối trong đợt mới này sẽ có một số cải tiến nhỏ nhằm cải thiện khả năng bắt sóng và thời lượng pin.
Trong khi đó, mức giá bán của sản phẩm vẫn không thay đổi. Bản rẻ nhất với bộ nhớ trong 16 GB là 9,9 triệu đồng còn bản đắt nhất 128 GB mạ vàng là 20,2 triệu đồng (chưa tính VAT). Tập đoàn này khẳng định, họ chỉ giảm giá cho sản phẩm đời đầu khi Bphone thế hệ hai ra đời.
Video nhà máy và các bước sản xuất Bphone:
Châu An