Cách đây 16 năm, "cha đẻ" Bitcoin Satoshi Nakamoto chia sẻ bản Sách trắng với tiêu đề Bitcoin: Hệ thống tiền điện tử ngang hàng kèm danh sách gửi thư dưới dạng mật mã, đề xuất một mạng lưới ngang hàng và phi tập trung.
Theo hình dung của Nakamoto, các nút trong mạng ngang hàng Bitcoin đóng vai trò xác minh giao dịch thông qua mật mã và ghi lại chúng trong sổ cái phân tán công khai, không bị giám sát tập trung và được gọi là blockchain. Sự đồng thuận giữa các nút (node) đạt được bằng cách sử dụng một quy trình tính toán chuyên sâu dựa trên bằng chứng công việc (PoW), gọi là khai thác (mining). Người khai thác sẽ nhận được phần thưởng khối (block) là Bitcoin, nhưng số lượng sẽ giảm một nửa sau mỗi đợt halving.
Ba tháng sau, vào ngày 3/1/2009, Nakamoto khai thác khối đầu tiên của Bitcoin, với tên gọi là khối Genesis và nhận phần thưởng 50 Bitcoin - mốc thời gian khởi động cho mạng lưới tiền mã hóa lớn nhất thế giới hiện nay. Đến ngày 22/5/2010, giao dịch Bitcoin thương mại đầu tiên diễn ra khi lập trình viên Laszlo Hanyecz đã mua hai chiếc pizza Papa John's với giá 10.000 Bicoin, sau được gọi là Pizza Bitcoin Day. Hiện số Bitcoin này tương đương 700 triệu USD.
Giá trị Bitcoin tăng mạnh chủ yếu sau năm 2020 khi các công ty lớn bắt đầu mua tiền số này. Tháng 2/2021, vốn hóa thị trường của Bitcoin lần đầu đạt 1.000 tỷ USD.
Bitcoin hiện đạt giá trị thị trường hơn 1.420 tỷ USD, trở thành tài sản lớn thứ 10 toàn cầu, theo thống kê của CompaniesMarketCap. Trong ngày kỷ niệm ra mắt sách trắng, giá Bitcoin tăng lên 73.600 USD, cao nhất trong bảy tháng qua và chỉ cách 200 USD so với mức cao nhất mọi thời - điều mà một số nhà phân tích dự đoán sẽ xảy ra sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
"Vàng kỹ thuật số"
Theo Mithil Thakore, nhà đồng sáng lập kiêm CEO Velar - công ty blockchain hoạt động trong lĩnh vực tài chính phi tập trung (DeFi) ở Dubai (UAE), sự phát triển của Bitcoin trong gần hai thập kỷ đã được thúc đẩy bởi niềm tin từ giới đầu tư và sự chấp nhận của nhiều tổ chức khi xem loại tiền số này là nơi lưu trữ giá trị.
"Bitcoin đã đi từ một thử nghiệm kỹ thuật số dạng ngách thành loại tài sản toàn cầu, có khả năng cạnh tranh với các loại hình lưu trữ giá trị truyền thống như vàng", Thakore nói với CoinTelegraph. "Nhưng không như vàng phải mất hàng nghìn năm để khẳng định, tiền số này thu hút sự chú ý của các tổ chức, kích thích các cuộc tranh luận pháp lý và thúc đẩy xu hướng tài chính phi tập trung toàn cầu chỉ trong 16 năm".
Theo Thakore, sự trưởng thành của Bitcoin thể hiện qua việc gia tăng nắm giữ dài hạn của các tổ chức, cá nhân, sự tích hợp sâu hơn với thị trường tài chính truyền thống. Ngoài "cha đẻ" Bitcoin Satoshi Nakamoto, các công ty Binance, BlackRock, GrayScale hay Microstrategy đều nắm giữ hơn 250.000 Bitcoin. Các quỹ ETF gần đây cũng nắm gần một triệu Bitcoin.
"ETF Bitcoin ngày càng thu hút sự chú ý, nhấn mạnh sự chuyển đổi của Bitcoin từ một loại tiền kỹ thuật số thành một tài sản tài chính lớn", một chuyên gia bình luận.
Tại sự kiện Plan B Lugano ở Thụy Sĩ ngày 24/10, Paolo Ardoino, CEO Tether, công ty phát hành stablecoin lớn nhất thế giới, nhận định Bitcoin đã phát triển từ một phương án tài chính thử nghiệm trở thành một trong những "lựa chọn tối ưu cho tự do tài chính" trong bối cảnh kinh tế bất ổn.
Một số quốc gia đã chấp nhận Bitcoin, như El Salvador coi là tiền tệ hợp pháp, còn Bhutan cũng được cho là đang âm thầm khai thác Bitcoin.
Dù vậy, nhiều học giả xem Bitcoin và tiền số nói chung là bong bóng kinh tế hoặc nghi chúng là mô hình ponzi trá hình. Nhiều quốc gia đã cấm tiền số này như Algérie, Ai Cập, Trung Quốc... còn số khác đang dần hoàn thiện khung pháp lý để kiểm soát. Ngoài ra, hoạt động khai thác tiền số cũng bị chỉ trích vì gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.
Bảo Lâm
- Sự 'nhập nhằng' của người có thể là cha đẻ Bitcoin
- Rò rỉ thông tin về 'cha đẻ' Bitcoin
- Danh tính 'cha đẻ' Bitcoin có thể sắp được tiết lộ
- Ví cá voi Bitcoin 'thời đại Satoshi' thức giấc
- Lợi nhuận của thợ đào Bitcoin thấp kỷ lục