Bên trong xưởng "đào" bitcoin trị giá chục triệu USD
Trong những ngày vừa qua, Bitcoin được thế giới chú ý khi giá trị của nó tăng chóng mặt. Từ khoảng 1.000 USD mỗi đồng hồi đầu năm, hiện giá của nó xấp xỉ 15.000 USD, thậm chí đã có lúc lên hơn 20.000 USD. Mức tăng giá nhanh khiến nhiều người lo ngại về một cuộc khủng hoảng khi "bong bóng" Bitcoin "nổ tung" tương tự như bong bóng dot-com cách đây gần hai thập kỷ.
Tuy nhiên, theo CNN, có một điều đáng lo ngại nữa là tác động của nó đến môi trường. Không giống như các đồng tiền thông thường vốn gắn liền với ngân hàng, do ngân hàng sản xuất, quản lý và lưu hành, những đồng tiền ảo được tạo ra từ thuật toán và nó cần các cỗ máy để làm điều đó.
Theo thống kê Bitcoin Energy Consumption Index của Digiconomist, Bitcoin sử dụng lượng điện khoảng 32 terawatts mỗi năm, lượng điện đủ để cung cấp cho 3 triệu hộ gia đình tại Mỹ. Nên nhớ rằng, việc xử lý hàng tỷ giao dịch Visa mỗi năm cũng chỉ tiêu tốn lượng điện dùng cho 50.000 hộ gia đình.
"Khi Bitcoin càng bị khai thác, thuật toán mà máy tính giải quyết để 'đào' được nó sẽ khó hơn, đồng nghĩa với nguồn năng lượng cung cấp cho nó lớn hơn", Eric Holthaus, một chuyên gia về khí tượng học, cho biết.
Ông cho rằng, nếu cách khai thác Bitcoin vẫn như hiện nay, lượng điện sử dụng cho máy đào có thể đủ để cung cấp đủ cho toàn nước Mỹ vào năm 2019. Và chỉ sáu tháng sau, nhiều người sẽ giật mình khi lượng điện máy đào Bitcoin sử dụng có thể tương đương mức tiêu thụ năng lượng của thế giới.
Lượng điện cao hơn đồng nghĩa với các nhà máy điện phải tăng công suất, các nhà máy điện mọc lên, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác và sử dụng, môi trường bị tàn phá... đang là những thứ mà Holthaus và các nhà môi trường học lo ngại. Hệ lụy của nó trong tương lai gần chắc chắn là rất lớn nếu không có các giải pháp khai thác Bitcoin mới, hoặc phương pháp sản xuất điện mới thân thiện với môi trường hơn.
Trên thực tế, theo Đại học Cambridge, các nhà máy khai thác Bitcoin cỡ lớn đang và sắp sửa tập trung tại Trung Quốc, ở vùng sâu vùng xa vì giá điện và giá mặt bằng thấp. Trung đó, Tứ Xuyên là vùng đất đầy hứa hẹn vì có trữ lượng than đá khổng lồ. Trước đây, nó là vùng tập trung của các nhà máy nhiệt điện hoạt động kém hiệu quả, nhưng sẽ là nơi xuất hiện nhà máy đào Bitcoin "lớn chưa từng có" với quy trình khép kín, kể cả sản xuất điện.
Thợ đào Bitcoin cũng có những lý luận của mình, trong đó cho rằng tác động của hệ thống "cày" tiền ảo đối với môi trường là rất nhỏ, chưa bằng việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, chẳng hạn như dầu khí. Bên cạnh đó, nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường cũng được đưa ra, như hệ thống HydroMiner ở Vienna là điển hình.
Tuy vậy, điều đó vẫn không khiến các chuyên gia môi trường bi quan về tương lai. "Chúng ta cần làm điều gì đó ngay bây giờ!", John Quiggin, giáo sư kinh tế tại Đại học Queensland, cho biết.
Bảo Lâm