"Rất có thể trong vòng 6 đến 12 tháng tới, các biến thể khác sẽ xuất hiện. Điều này đòi hỏi vaccine thích ứng, song chưa phải lúc này", ông nói.
Vaccine sẽ chỉ được thay đổi nếu nó không còn hiệu quả hoặc khả năng bảo vệ thấp, không đủ đẩy lùi virus. Khi dịch bệnh diễn biến nhanh chóng, việc nắm bắt thời gian điều chỉnh vaccine cũng rất quan trọng.
"Đưa ra quyết định ngay bây giờ có thể trở thành sai lầm trong ba đến 6 tháng nữa, nếu biến thể khác trỗi dậy. Do đó, thời điểm cần phù hợp", ông Sahin cho biết. "Hiện chúng tôi cho rằng tiêm vaccine tăng cường là đủ chống biến thể mới sinh sôi".
Pfizer trước đó từng đề cập đến liều vaccine tăng cường giữa làn sóng nhiễm nCoV mới nhất. Các quốc gia như Pháp và Đức cho biết sẽ tiêm liều bổ sung cho người cao tuổi và người dễ bị tổn thương kể từ tháng 9.
Đến nay, Pfizer-BioNTech đã phân phối khoảng một tỷ liều vaccine đến hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Công ty kỳ vọng đạt sản lượng ba tỷ liều hàng năm vào cuối năm nay, tăng lên 4 tỷ liều vào năm 2022.
Vaccine Pfizer dự kiến trở thành loại dược phẩm bán chạy nhất mọi thời đại. Tháng trước, công ty cho biết doanh thu có thể lên tới 33,5 tỷ USD trong năm nay. Số tiền đó được phân chia cho các đối tác. BioNTech cũng hưởng lợi từ việc bán hàng trực tiếp.
Hầu hết người tiêm liều vaccine Pfizer bổ sung gặp ít phản ứng phụ so với hai liều đầu, theo nghiên cứu sơ bộ thực hiện bởi tổ chức y tế đầu ngành tại Israel.
Trong số 4.500 tình nguyện viên, 88% báo cáo "cảm giác tương tự hoặc ổn hơn" so với liều trước đó. 31% gặp tác dụng phụ cục bộ như đau nhức, sưng tấy vùng tiêm, theo báo cáo từ Clalit Health Services. Khoảng 15% có các triệu chứng khác như mệt mỏi, đau cơ hoặc sốt. Dưới 1% bị khó thở hoặc tức ngực.
Israel là nước đầu tiên tiêm thêm một liều vaccine nhằm ngăn ngừa số ca nhiễm mới tăng lên. Mỹ chưa sử dụng liều thứ ba. Pfizer có kế hoạch gặp gỡ cơ quan quản lý dược phẩm nước này để xin cấp phép. Hiện khoảng 500.000 người Israel đã tiêm ba liều vaccine.
Thục Linh (Theo SCMP)