Nghiên cứu, công bố ngày 2/8, thực hiện trên 144.000 người, chủ yếu là nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi. Họ được tiêm liều đầu bằng vaccine AstraZeneca, liều thứ hai là vaccine nhóm mRNA như Pfizer hoặc Moderna. Kết quả, 14 ngày sau tiêm, nguy cơ nhiễm nCoV giảm 88% so với những người không chủng ngừa. Con số thấp hơn không đáng kể so với hai mũi Pfizer.
Dữ liệu được thu thập trong 5 tháng, kể từ tháng 2/2021 đến tháng 6/2021. Đây cũng là khoảng thời gian biến thể Alpha chiếm ưu thế ở Đan Mạch. Song các nhà khoa học chưa khẳng định liệu tiêm trộn vaccine có hiệu quả chống biến thể Delta hay không.
Kết luận của các nhà khoa học Đan Mạch tương đồng với hàng loạt nghiên cứu trước đó, đồng thời củng cố dự định tiêm trộn vaccine của Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) và nhiều nước trên thế giới.
Trong nỗ lực giải quyết số ca nhiễm gia tăng và tình trạng thiếu nguồn cung, một số quốc gia đã thử nghiệm phương pháp này. EMA không khuyến nghị cụ thể về liều lượng, nhưng cho rằng các nước nên tính đến một số điều kiện như tình hình dịch tễ, sự lưu hành của biến thể và độ hiệu quả của vaccine.
Nghiên cứu của Oxford hồi tháng trước cho thấy tiêm vaccine Pfizer 4 tuần sau liều đầu AstraZeneca tạo phản ứng miễn dịch tốt hơn so với hai liều AstraZeneca. Matthew Snape, giáo sư Đại học Oxford, người đứng đầu công trình, cho biết kết quả này có thể tạo thế linh hoạt cho chiến dịch vaccine. Song ông không khuyến nghị các nước thay đổi lịch trình tiêm chủng ngay, bởi chưa có đủ dữ liệu lâm sàng.
Hiện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chưa đưa ra khuyến nghị chính thức về việc tiêm trộn vaccine.
Trong văn bản hướng dẫn triển khai tiêm vaccine ngày 22/7, Bộ Y tế Việt Nam cho biết nếu số lượng vaccine Pfizer hạn chế thì ưu tiên sử dụng để tiêm liều thứ hai cho những người đã tiêm liều thứ nhất bằng AstraZeneca. Việc tiêm trộn hai loại vaccine có thể làm tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.
Thục Linh (Theo Reuters)