Phần thưởng cho người biết "quên" là giấy tờ được xử lý nhanh, xe được vẫy tay cho đi trong vài chục phút. Ai không biết "quên" thường sẽ phải qua một quy trình khác, tốn kém thời gian và công sức đến mức lần sau chủ xe phải nhớ để "quên" đúng nơi và đúng lúc.
Những chuyện tương tự rất phổ biến trong cuộc sống hàng ngày. Từ việc xin cho con học trái tuyến, "xử lý nhanh" vi phạm giao thông... không ít người từng phải gãi đầu gãi tai dấm dúi phong bì cho cán bộ. Đôi khi đó là chuyện chẳng đặng đừng cho được việc, nhưng đôi khi là quán tính văn hóa. Không phải cán bộ nào cũng nhận phong bì, nhưng cha ông từ xưa vẫn có câu, "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" - thà cứ đưa và bị từ chối, còn hơn không đưa và nhận lại thái độ lạnh nhạt của công chức.
Hành vi này dần được bình thường hóa, như một quan chức từng khăng khăng cho rằng nhận vài ba trăm nghìn thì không thể gọi là tham nhũng. Nhiều người dân không đồng tình với quan điểm đó nhưng thường tặc lưỡi bỏ qua. Mấy ai bỏ thời gian và công sức đi kiện tụng chỉ vì vài trăm nghìn? Mặt khác chính người dân, như tôi, một phần nào đó hưởng lợi từ việc được "xử lý nhanh", và vì thế cũng có thể coi là đồng lõa với hành vi đó.
Nhưng đại án ở Cục Đăng kiểm vừa qua đã cho thấy sức công phá kinh khủng của tờ hai trăm nghìn trong xe. Dòng tiền không dừng lại ở anh nhân viên kiểm định, trung tâm, hay chi cục đăng kiểm. Từng bước một, những tờ hai trăm nghìn được "cắt phế" rồi chuyển đến phòng kiểm định, đi từ địa phương tới trung ương, chia phần trăm, rồi rơi vào túi ban lãnh đạo cao nhất của Cục. Chỉ trong vòng một năm, riêng số tiền nhận hối lộ mà Cục trưởng Cục Đăng kiểm phải chịu trách nhiệm hình sự lên đến 40 tỷ đồng, theo cáo trạng.
Từ tham nhũng vặt, dòng tiền nhanh chóng biến thành đại án với hơn 800 người rơi vào vòng lao lý trên cả nước. Hệ thống "luật ngầm" ăn chia theo ngành dọc cho thấy cái mà chúng ta nghĩ là tham nhũng vặt không hề vặt vãnh. Mỗi năm, có khoảng 4,8 triệu lượt xe đăng kiểm. Tính một cách khiêm tốn, chỉ cần 25% trong số đó "để quên" 200 nghìn đồng, con số đã lên đến 240 tỷ đồng.
Sai phạm phát hiện tại ngành Đăng kiểm là chưa từng có, nhưng đây có lẽ không phải nơi duy nhất xẩy ra tình trạng này. Hệ quả là tham nhũng vặt tạo ra thiệt hại vô cùng lớn cho xã hội, mà trước hết là chính túi tiền của người dân. Nguồn "địa tô" khổng lồ từ tham nhũng vặt còn còn dẫn đến hệ lụy khác. Trong bối cảnh vừa đá bóng vừa thổi còi còn phổ biến ở Việt Nam, việc xây dựng chính sách dễ bị các nhóm lợi ích thao túng để tối ưu hóa "lợi nhuận" cho một số người, qua đó tước đoạt lợi ích chính đáng của người dân và xã hội.
Khi nhìn vào khoản tiền mà lãnh đạo cục Đăng kiểm được hưởng, sẽ không khó hiểu vì sao một chiếc xe chạy ở Việt Nam phải đăng kiểm nhiều hơn gấp ba lần so với châu Âu hay Nhật Bản. Đây chính là ví dụ điển hình của hiện tượng tham nhũng chính sách. Tham nhũng vặt không chỉ nguy hại về vật chất. Về lâu dài, nó bình thường hóa những hành vi không bình thường, coi tham nhũng - hối lộ là điều chấp nhận được, chỉ là "đừng tham quá" hoặc phải "khuất mắt trông coi". Bố mẹ biết đưa tiền để xử lý nhanh vi phạm giao thông, thì con cái cũng sẽ biết biếu thầy cô để nâng điểm tổng kết cuối kỳ.
Một xã hội còn đồng lõa với tham nhũng thì không thể chống tham nhũng. Khi chúng ta còn tặc lưỡi với những tờ hai trăm nghìn, coi việc bớt xén một chút của công là chuyện cảm thông được, thì sẽ còn tiếp tục những đại án xếp hàng dài chờ xét xử.
Trong cuộc chiến chống tham nhũng 10 năm qua, đã có nhiều thảo luận về các thiết chế chống tham nhũng, cơ chế giám sát, trách nhiệm giải trình, và cả cải cách bộ máy hành chính. Dẫu còn nhiều hạn chế, không thể phủ nhận những nỗ lực và cải thiện rất lớn từ phía Nhà nước để phòng và chống tham nhũng. Tuy nhiên, ở phía ngược lại, dường như nền giáo dục và các thảo luận xã hội vẫn bàn chưa đủ nhiều về trách nhiệm của công dân trong việc tạo dựng một thái độ dứt khoát với tham nhũng.
Thái độ đó có thể bắt đầu từ những điều đơn giản, như việc đừng quên tờ hai trăm nghìn trong xe.
Nguyễn Khắc Giang