Mỹ đã chuyển một lượng lớn trang thiết bị quân sự không sát thương trị giá 260 triệu USD, hỗ trợ chính quyền Ukraine trong cuộc chiến với quân ly khai ở miền đông nước này. Nhưng theo nhiều người đánh giá, những trang bị mà Mỹ cung cấp nhằm bảo vệ và tăng cường sức mạnh cho các lực lượng Ukraine lại không khác gì đồ phế thải.
Tại Donetsk, thành phố hiện nằm dưới quyền kiểm soát của quân ly khai, một đơn vị đặc nhiệm Urakine đang sử dụng những chiếc xe Humvee của Mỹ sản xuất từ những năm 1980, 1990.
Ba chiếc có cửa sổ và cửa ra vào bằng nhựa, hầu như không thể bảo vệ người ngồi bên trong. Một chiếc có lốp xe cứ đi vài trăm km lại long ra một lần, hậu quả của việc bị đắp chiếu quá lâu.
Một đơn vị bộ binh khác của Ukraine với quân số 120 người thì chỉ nhận được từ Lầu Năm Góc duy nhất một áo chống đạn, loại mà binh sĩ Mỹ ngừng sử dụng từ giữa những năm 2000.
"Nếu người Mỹ thật sự muốn gửi vật dụng cho chúng tôi, đừng gửi những thứ đã qua sử dụng", Washington Post dẫn lời một chỉ huy đặc nhiệm Ukraine giấu tên nói.
Theo nhận xét của một số binh sĩ Ukraine, những trang thiết bị quá đỗi tồi tàn mà Mỹ cung cấp đã tạo ra tâm lý mất lòng tin đồng thời khiến nhuệ khí của toàn quân suy giảm. Giới chuyên gia từ đây cũng bắt đầu cảm thấy hoài nghi về cam kết của chính quyền Mỹ đối với cuộc nội chiến đã bước sang năm thứ hai ở Ukraine.
"Không cần biết mọi người nghĩ gì nhưng đây thực sự là chiến tranh", một lính đặc nhiệm Ukraine quả quyết.
Trang bị không ai dùng được
Những chiếc xe Humvee mà quân đội Ukraine đang sử dụng thuộc lô hàng gồm 100 chiếc mà Mỹ gửi tới hồi đầu năm. Chúng được chuyển đi theo một lệnh đặc biệt được Quốc hội Mỹ phê chuẩn, cho phép tổng thống đưa trang thiết bị ra nước ngoài nhanh nhất có thể.
Ông Joe Sowers, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ, không trực tiếp đưa ra bình luận về tình trạng của các phương tiện điều tới Ukraine nhưng nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục chuyển trang thiết bị cũng như cung cấp các khóa huấn luyện để "giúp Ukraine giám sát và bảo vệ biên giới tốt hơn, gia tăng khả năng hoạt động hiệu quả và an toàn, đồng thời đảm bảo toàn vẹn lãnh thổ".
Giới chức Mỹ lý giải việc các thiết bị nước này gửi tới Ukraine bị xuống cấp và hư hỏng xuất phát từ yêu cầu phải chuyển chúng trong thời gian ngắn.
"Chúng tôi muốn đưa đồ tới đó nhanh nhất có thể trong khi chúng tôi lại không có ngân sách phù hợp cho cuộc khủng hoảng này", một quan chức Lầu Năm Góc cho biết. "Vậy nên, liệu mọi thứ có thể hoàn mỹ không? Tất nhiên là không rồi".
Hiện chưa rõ Mỹ đã gửi tới Ukraine bao nhiêu đồ dùng cũ hỏng, bởi theo một số báo cáo, Washington cũng chuyển cho Kiev nhiều trang bị mới như kính nhìn đêm hay bộ dụng cụ sơ cứu. Các binh sĩ Ukraine còn nhận được cả các vật dụng hiện đại khác như radar chống pháo, chống súng cối cùng các thiết bị liên lạc.
Ngoài những xe Humvee đã chuyển, 100 chiếc khác cùng đời cũng được chấp thuận để gửi tới Ukraine. Đây là một phần trong chương trình tiêu chuẩn của quân đội Mỹ nhằm đầu tư thêm trang thiết bị cho các quốc gia nước ngoài.
Chương trình này "gửi đi những vật dụng mà chẳng đơn vị nào có thể sử dụng", một quan chức Lầu Năm Góc giấu tên tiết lộ. "Trong nhiều trường hợp, những chiếc Humvee còn được dùng với mục đích làm phụ tùng thay thế. Chúng quá xuống cấp để lái nhưng bạn có thể tháo rời và tận dụng từng phần".
Tuy nhiên, trung tá Andrei, lãnh đạo của một trong những đơn vị ở Ukraine được nhận xe Humvee từ Mỹ, cho hay các phương tiện này nên được gửi tới trong tình trạng có thể hoạt động trơn tru bởi họ sẽ không tháo rời chúng để lấy phụ tùng.
Số tiền bỏ ra để mua một lốp xe Humvee ở Ukraine là khoảng 1.000 USD, vì thế đơn vị của Andrei thà sắm một chiếc xe SUV cũ với giá đắt hơn một chút còn hơn là bỏ tiền ra thay thế hai lốp Humvee, ông cho biết.
"Tại sao tôi phải chi tiền để thay lốp trong khi có thể mua một chiếc xe mới", ông Andrei nói.
Ngoài hỗ trợ về vật chất, Lầu Năm Góc cũng cử các đơn vị quân đội tới Ukraine để tổ chức hàng loạt chương trình huấn luyện nhằm tăng cường năng lực của các binh sĩ được đánh giá là còn non trẻ của nước này. Song, đối với không ít người, tình trạng xập xệ của các trang thiết bị mà Mỹ cung cấp cho Ukraine là bằng chứng cho thấy Washington không hề có ý định can thiệp quá sâu vào tình hình chiến sự tại quốc gia này.
Dù vậy, theo ông Mac Thornberry, Chủ tịch Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ, lưỡng đảng trong Quốc hội đều đang cho thấy sự ủng hộ mạnh mẽ đối với chính sách hỗ trợ Ukraine.
Ông Thornberry nhắc tới một đạo luật ủy quyền quốc phòng (NDAA) vừa được thông qua, dành ra 300 triệu USD để cung cấp hỗ trợ cho các quốc gia Đông Âu đang bị chiến tranh tàn phá, trong đó có cả các viện trợ về vũ khí sát thương.
Vấn đề duy nhất ở đây là "chúng tôi không thể khiến tổng thống thực hiện nó", Thornberry nói. Chính quyền "quá lo lắng về việc tránh làm gia tăng căng thẳng với Putin. Điều này tạo ra tác động không nhỏ, giới hạn khả năng bảo vệ quốc gia của người Ukraine".
Mỹ và các nước phương Tây từ lâu cáo buộc chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin hậu thuẫn phe ly khai miền đông Ukraine, khiến xung đột ngày càng trầm trọng. Moscow phủ nhận.
Chính sách hỗ trợ hiện tại đối với Ukraine đang phản ánh mong muốn "chỉ tiến hành các động thái quân sự vừa đủ để đảm bảo người Ukraine có thể bảo vệ chủ quyền" của chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama, Evelyn N. Farkas, cựu phó trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về vấn đề Nga, Ukraine và lục địa Á - Âu, đánh giá.
Theo bà, Mỹ vẫn có khả năng làm nhiều điều khác để ngăn chặn các cuộc giao tranh xảy ra trong tương lai.
"Lúc này, xét trên mức độ nghiêm trọng của tình hình, nguồn lực mà chúng ta bỏ ra thực sự không là gì", Farkas nói, đồng thời thêm rằng giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng có thể đạt được nếu Mỹ tham gia sâu hơn bằng cách cấp vũ khí cho quân đội Ukraine.
Mặc dù vậy, Nhà Trắng lại từ chối cung cấp các hỗ trợ sát thương trên mặt đất bởi giới quan chức cho rằng hành động trên sẽ chỉ khiến căng thẳng leo thang.
"Điều này là về các giá trị, về quyền được tự bầu ra chính phủ và hoàn toàn tự chủ của công dân Ukraine", bà Farkas nhấn mạnh. "Chúng ta phải ra mặt để đảm bảo rằng Ukraine sẽ thành công".
Vũ Hoàng