Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga công bố cho thấy các binh sĩ nước này tiếp quản căn cứ do Mỹ để lại ở ngoại ô Kobani mà không phải nổ một phát súng nào. Sau khi trực thăng hạ cánh xuống đường băng, các đặc nhiệm Nga dàn đội hình chiếm lĩnh vị trí cảnh giới, sau đó tiến vào các cơ sở trong căn cứ.
Nga kiểm soát căn cứ không quân Kobani chỉ một ngày sau khi binh sĩ Mỹ rời khỏi đây, bỏ lại nhiều trang thiết bị, giường và vật tư y tế. Căn cứ không quân này từng là trung tâm hậu cần chính của quân đội Mỹ trong chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại miền bắc Syria.
Mỹ tuyên bố rút quân khỏi miền bắc Syria trước khi Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch Mùa xuân Hòa bình ngày 9-22/10 nhằm vào lực lượng dân quân người Kurd. Quân đội Mỹ sau đó được tái bố trí đến những mỏ dầu quan trọng tại miền đông Syria theo quyết định của Tổng thống Donald Trump.
Trước đó, Nga đã lập một căn cứ quân sự tại thành phố Qamishli, ngay gần khu vực quân đội Mỹ hoạt động. Căn cứ này hiện có hai trực thăng tấn công Mi-35, ba trực thăng vận tải Mi-8, một số thiết giáp BTR-80 và tổ hợp pháo - tên lửa phòng không Pantsir, nhiều khí tài nữa dự kiến được triển khai tới đây.
Chỉ huy cao cấp của dân quân người Kurd Mazloum Kobani nói việc Mỹ bất ngờ rút lui khiến lực lượng này không có lựa chọn khác nào ngoài trông cậy vào Nga. "Chúng tôi có thỏa thuận sơ bộ với Nga để dừng cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào khu vực này. Chúng tôi phải lấp đầy khoảng trống mà Mỹ để lại bằng lực lượng Nga", Kobani nói.
Việc mở các căn cứ mới ở đông bắc Syria giúp Nga thể hiện sự kiểm soát rõ rệt với khu vực này. "Tuy nhiên, về mặt quân sự, nó chủ yếu mang tính biểu tượng và họ chưa thể thay thế sức mạnh không quân của Mỹ trước đây", cựu quan chức ngoại giao Nga Vladimir Frolov cho biết.
Nguyễn Tiến