Hồi đầu năm nay, các nhà khảo cổ học thông báo chất lỏng kỳ lạ bên trong bình thủy tinh 2.000 năm có nguồn gốc từ vùng Andalusia là loại rượu cổ nhất từng được tìm thấy. Bình rượu được phát hiện vào năm 2019 trong một ngôi mộ La Mã ở Carmona. Hiện nay, các nhà nghiên cứu tìm thấy xương hỏa táng của một người đàn ông được ngâm trong chất lỏng có từ thế kỷ I, Independent hôm 30/9 đưa tin.
Bình rượu mô tả trên tạp chí Archaeological Science lâu đời hơn cả chai rượu Speyer phát hiện năm 1867 và có từ thế kỷ 4. "Ban đầu, chúng tôi rất kinh ngạc bởi chất lỏng được lưu giữ ở một trong các bình đựng tro cốt", nhà khảo cổ Juan Manuel Román ở tỉnh Carmona chia sẻ. Để xác nhận chất lỏng là rượu, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một loạt phân tích hóa học nhằm đánh giá độ pH, chất hữu cơ và thành phần muối trong đó. Sau đó, họ so sánh các chất hóa học phát hiện được với rượu Montilla-Moriles, Jerez và Sanlúcar ngày nay.
Mấu chốt để xác định chất lỏng là rượu nằm ở hợp chất polyphenol có trong mọi loại rượu. Các nhà khoa học tìm thấy 7 hợp chất polyphenol cũng có trong rượu Montilla-Moriles, Jerez và Sanlúcar. Nhưng tìm kiếm nguồn gốc của loại rượu cổ đại là thách thức bởi không có mẫu vật nào cùng thời để so sánh.
Trong khi đó, sự tồn tại của xương người hỏa táng hé lộ nhiều hơn về tập tục chôn cất phổ biến ở Tây Ban Nha vào thời La Mã. Xương cốt được ngâm trong rượu cùng với chiếc nhẫn vàng. Việc xương cốt thuộc về một người đàn ông không phải sự tình cờ, theo nhóm khảo cổ. Phụ nữ ở La Mã cổ đại bị cấm uống rượu, loại thức uống dành riêng cho đàn ông. Sự tồn tại của tro cốt trong bình phản ánh sự phân biệt giới tính của xã hội La Mã trong nghi thức mai táng.
Bình khác tìm thấy trong mộ chứa xương cốt của một người phụ nữ nhưng không có giọt rượu nào. Thay vào đó, nó chứa 3 món trang sức hổ phách, hũ nước hoa, hoắc hương và vải lụa. Rượu, nước hoa, nhẫn và nhiều đồ vật khác đặt trong mộ để mai táng, xuất phát từ quan niệm người chết cần chúng trong hành trình sang thế giới bên kia.
An Khang (Theo Independent)