Theo The Value, bình đạt mức giá cao nhất trong số tác phẩm hội họa, gốm sứ ở chương trình đấu giá Xuân 2024, do Christie's tổ chức từ ngày 27-30/5 tại Hong Kong. Cổ vật thể loại mai bình - dạng đồ gốm hình ống, thân cao, cổ ngắn, thường được dùng cắm hoa mai.
Chiếc mai bình được chế tác phục vụ vua Ung Chính (1678-1735) thưởng lãm, nằm trong danh mục cổ vật quý ba đời Khang Hy, Ung Chính, Càn Long của triều đình nhà Thanh.
Chiều cao 35,5 cm, thân bình vẽ họa tiết sóng biển màu đỏ, hai con rồng trắng nhô lên trên, đầu hai rồng hướng về nhau. Các chi tiết vảy, mắt được chạm khắc nổi.
Dạng họa tiết này là đề tài phổ biến trong chế tác gốm sứ triều đình nhà Thanh, mang ý nghĩa cha nuôi dưỡng, dạy dỗ để con thành đạt. Bấy giờ, vua Ung Chính đích thân chọn thầy dạy cho các hoàng tử đồng thời đôn đốc việc học của con. Các hoàng tử được học tiếng Hán, tiếng Mãn, kinh sử đồng thời học cưỡi ngựa, bắn tên.
Trong lịch sử chế tác gốm sứ Trung Quốc, lớp tráng men màu đỏ nổi tiếng khó nung, vì trong màu men có thành phần dễ bay hơi ở nhiệt độ cao. Độ ổn định của màu sắc, sự bóng bẩy của tác phẩm được giới chuyên gia đánh giá ở đẳng cấp "thượng thừa". Tay nghề tinh xảo, tập trung vào vẻ uy nghiêm của rồng lớn.
Tác phẩm từng thuộc sở hữu của bà Mary Jane Morgan, vợ Charles Morgan - ông trùm đường sắt và vận tải hàng hải nước Mỹ. Sau khi bà Mary Jane Morgan qua đời năm 1886, bình được đấu giá ở mức 225 USD. Theo The Value, mức giá đó tương đương thu nhập một năm của một lao động bình thường ở nước Mỹ.
Một số bình gốm họa tiết rồng cha, rồng con thời nhà Thanh từng xuất hiện trên thị trường đấu giá. Năm ngoái, chiếc xuất xứ thời Càn Long được gõ búa ở mức gần 14 triệu USD.
Nghinh Xuân