Theo The Value, chiều 30/5, Trung tâm hội nghị triển lãm ở Hong Kong đông nghịt các nhà sưu tầm, người nghiên cứu đồ cổ. Tất cả chờ đợi mức giá mà chiếc bình mặt trăng đạt được.
Từ giá khởi điểm 75 triệu HKD (9,5 triệu USD), tác phẩm được một khách hàng mua qua điện thoại, mức 108 triệu HKD đã bao gồm thuế phí. Bình cao 51 cm, từng xuất hiện tại buổi đấu giá do hãng Phillips tổ chức ở London năm 1991. Trên thế giới chỉ có ba chiếc bình tương tự được biết đến. Hai chiếc còn lại, một ở bảo tàng Cố Cung Bắc Kinh, một từng thuộc công ty Vĩnh Bảo Trai ở Hong Kong.
Tác phẩm được gọi là "bình mặt trăng" hay "bảo nguyệt bình" vì phần bụng như trăng tròn. Dạng đồ gốm này dễ bị vỡ vụn hoặc bị đổ trong lò nung vì trên nặng, dưới nhẹ.
Để sản xuất, đầu tiên nghệ nhân vẽ hình dáng hoa văn cơ bản bằng màu xanh lam, cho vào lò nung lần một ở nhiệt độ cao. Sau đó đổ men màu, nung lần hai ở nhiệt độ thấp, vì thế tăng độ khó trong kỹ thuật, tay nghề nung.
Tác phẩm khắc họa hình ảnh con rồng dũng mãnh và một con rồng xanh nhỏ hơn, tượng trưng cho nhà vua và thái tử. Đây là dạng họa tiết kinh điển trong hoàng thất thời Thanh. Hai con rồng đi xuyên mây và biển, thể hiện quyền lực, sự hưng thịnh đồng thời nói về trọng trách của Càn Long với tư cách nhà vua và người cha.
Đồ gốm phục vụ Càn Long sử dụng, thưởng lãm nổi tiếng xa hoa. Bấy giờ, nhà vua ra lệnh Đường Anh - quan phụ trách sản xuất gốm sứ - tìm ra cách nung để sản phẩm trau chuốt, tinh xảo hơn. Ban đầu, mục đích của Đường Anh là làm hài lòng đế vương nhưng đồng thời, quá trình đó mang lại thành tựu cho mỹ thuật Trung Quốc.
Từ đầu năm đến nay, một số sản phẩm gốm sứ thời Càn Long được đấu giá cao. Hồi tháng 4, chiếc bát họa tiết chim én, hoa hạnh, cây liễu đạt mức 198,2 triệu HKD (25,3 triệu USD).
Nghinh Xuân (theo The Value)