Trong kinh doanh cũng vậy, thắng mà không cần đối đầu trực tiếp là điểm quan trọng trong binh pháp Tôn Tử mà các doanh nhân cần biết.
Một cách chắc chắn để tránh cạnh tranh gây hao tổn là chọn những thị trường không có đối thủ. Chính vì vậy, các công ty của người Hoa thường được lợi nhờ đi trước đối thủ một bước đến những thị trường chưa được khai phá và tận dụng thời cơ để nắm thế độc quyền. Hay ngành công nghiệp xi măng ở Indonesia, công nghiệp đường ở Malaysia, gạo ở Thái Lan cũng áp dụng cách thức này một cách thành công.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp của Đài Loan vào thị trường Việt Nam từ đầu những năm 90 và đã chiếm được vị thế an toàn trước khi các đối thủ cạnh tranh đến đây. Do vậy, vào cuối những năm 90, đầu tư của Đài Loan vào Việt Nam cao hơn 50% so với các nước châu Âu và gấp 3 lần Nhật Bản.
Ngoài ra, theo các nhà phân tích kinh tế, một cách khác có thể áp dụng binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh là tránh đối đầu trực tiếp. Điều này có nghĩa là, các doanh nghiệp cần nhanh nhạy biết biến tình huống có thể xảy ra cạnh tranh thành cơ hội hợp tác. Đối với người Trung Hoa, cạnh tranh và hợp tác là hai mặt của một vấn đề chứ không nhất thiết là hai việc trái ngược nhau. Chiến lược của công ty máy tính Legend là một ví dụ. Legend là công ty máy tính lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 26% thị phần vào năm 2000. Mặc dù cạnh tranh gay gắt với các công ty nước ngoài như Compaq, IBM…, công ty này vẫn đang hợp tác với IBM để thiết kế phần mềm cho thị trường Trung Quốc và ứng dụng nó trên máy tính Legend.
Tuy nhiên, đối với người Trung Quốc, trong nhiều trường hợp người kinh doanh buộc phải tìm cách xoay chuyển cục diện trận chiến theo một chiều hướng khác có lợi hơn cho họ. Một trong những cách đó là đánh đường vòng thay vì tấn công trực tiếp. Đánh đường vòng là tiến đến mục tiêu bằng những con đường nhỏ hơn, đòi hỏi sự kiên nhẫn và không cần có pháo hoa ăn mừng chiến thắng ở mỗi trận thành công.
Hai công ty Haier Group (HG) và Acer Computer là những ví dụ minh hoạ cho sự thành công của chiến lược này. HG, tập đoàn sản xuất thiết bị gia dụng lớn nhất của Trung Quốc đang thành công tại Mỹ, chiếm được 20% thị trường tủ lạnh nhỏ nhờ đánh vào phân khúc giá thấp, chất lượng cao. Nhưng đường vòng của họ là tìm cách giành thành công ở những thị trường lớn, cạnh tranh được với các đối thủ tiếng tăm để tất thắng ở những thị trường đang phát triển…
Bên cạnh đó, một quan điểm nghịch lý khá nổi tiếng của người Hoa được thể hiện trong từ "khủng hoảng”, “wei- ji”. Từ này được kết hợp giữa từ “nguy hiểm” – “wei” và từ “cơ hội” – “ji” , "wei – ji" cho thấy người Trung Quốc nhìn nhận mối liên hệ sâu xa giữa hiểm hoạ và khả năng thay đổi. Các nhà phân tích kinh tế phương tây cho rằng "wei – ji” là một quan điểm đã giúp các doanh nghiệp Trung Quốc tái tổ chức và vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế của châu Á vào cuối thập niên 90.
Giữa tâm bão của cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á, nhiều công ty của người Hoa đều nhìn ra và tận dụng những cơ hội kinh doanh mới. Uauction, một công ty của Thái Lan trước cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ, ngay lập tức chuyển hướng kinh doanh sang thị trường đấu giá xe hơi. Kế sách này đã giúp công ty nhanh chóng vượt qua khó khăn và tăng trưởng gấp 3 lần và trở thành công ty lớn nhất của Thái Lan. Ngoài ra, nhiều công ty khác cũng áp dụng phương cách này và đã thu được những kết quả ngoài mong đợi.
(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)