Đối với các quan chức Mỹ, lời tiết lộ về việc Bình Nhưỡng có thể thử, bán hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân là một thành quả bất ngờ sau những nỗ lực của họ nhằm đưa Bắc Kinh đến chỗ phải hành động mạnh tay hơn với chính quyền của ông Kim Châng In. Từ nhiều tháng nay, Washington coi lập trường của Trung Quốc là vật cản trên con đường giải quyết cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Một tuyên bố cứng rắn của HĐBA đối với chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng đã không thể ra đời do vấp sự phản đối của Nga và Trung Quốc. Nay Mỹ đang hy vọng có thể quay trở lại New York với sự hậu thuẫn của Bắc Kinh.
Không thừa nhận vai trò trung gian, Trung Quốc tuyên bố mục tiêu của mình là một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân, và Bắc Kinh là địa điểm thích hợp cho thảo luận Mỹ - Triều. Đại sứ Trung Quốc tại Paris tuyên bố: "Chỉ hai nước mới có quyền quyết định giải pháp cho khủng hoảng".
Theo các nhà quan sát, đàm phán diễn ra là do cả Mỹ, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc không muốn có đối đầu quân sự tại khu vực. Bình Nhưỡng hiểu không thể chịu nổi sức mạnh quân sự của Mỹ sau những gì diễn ra ở Iraq, nên đã xuống thang. Mỹ thì đang bận rộn với vô số công việc ở Iraq sau chiến tranh. Trung Quốc thì không muốn chế độ ở Bình Nhưỡng sụp đổ khiến quân đội Mỹ có mặt ngay bên hông mình.
Giữa lúc các nhà ngoại giao Trung Quốc đang tự tán thưởng vai trò tích cực bất ngờ của mình, thì thông tin về việc một thành viên đoàn đàm phán Bình nhưỡng thừa nhận nước này có vũ khí hạt nhân giống như "một cú sốc", Shi Yinhong, một chuyên gia về quan hệ quốc tế ở Bắc Kinh, nhận định. "Trung Quốc không bao giờ chấp nhận một Triều Tiên có vũ khí hạt nhân bên cạnh".
Giờ đây thế khó của Bắc Kinh là phải hoạch định các bước tiếp theo như thế nào. Trung Quốc không thể chấp nhận nước láng giềng này sở hữu loại vũ khí huỷ diệt, bởi điều đó đe doạ an ninh khu vực và Trung Quốc, nhưng cũng không thể gây sức ép mạnh đến mức khiến chế độ Bình Nhưỡng sụp đổ. Vì điều đó sẽ cho phép quân đội Mỹ sẽ tiến sát biên giới, gây một làn sóng người tị nạn, làm mất thị trường xuất khẩu của Trung Quốc.
Trung Quốc cung cấp 70% nhu cầu dầu, hầu hết gạo và rau quả cho thị trường Bắc Triều Tiên. Phương tây cho rằng Bắc Kinh vẫn phê phán nước đồng minh không cải cách kinh tế, nhưng thực ra vẫn ủng hộ chính phủ của ông Kim.
Một quan chức Trung Quốc cho biết Bắc Kinh không thể hiểu được chiến thuật đàm phán của Bình Nhưỡng. "Họ có lý lẽ riêng", ông này lặp lại câu nói mà giới chức Trung Quốc thời gian này thường dùng khi đề cập đến người đồng minh.
Bình Nhưỡng dường như đang theo đuổi chính sách tự lực, sau một thời gian đong đưa giữa Trung Quốc và Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Dù có mối quan hệ lâu năm, chính quyền của ông Kim không hoàn toàn tin tưởng Bắc Kinh. Trong cuộc đàm phán tại Điếu Ngư Đài, Bình Nhưỡng cử ông Li Gun, một nhà ngoại giao được giới quan sát cho là cấp thấp, không thể đưa ra quyết định quan trọng trong các cuộc thảo luận.
Tại Washington, những người theo phái cứng rắn cho rằng chiến thuật mới đây của Bình Nhưỡng đã chứng tỏ quan điểm của họ là đúng. "Powell thảo luận, nhưng Rumsfeld mới có thành quả". Ngoại trưởng Mỹ chủ trương dùng chính sách can thiệp, mềm mỏng hơn so với Bộ trưởng Quốc phòng.
T. Huyền