Sáng 6/12, UBND tỉnh Bình Dương và Tập đoàn Gia Định tổ chức khởi công Cụm Công nghiệp Tam Lập 2 tại huyện Phú Giáo trên diện tích 50 ha. Với tiềm năng quỹ đất còn lớn, cụm công nghiệp này dự kiến thu hút các ngành nghề đầu tư như may mặc, điện tử, viễn thông, chế biến thực phẩm, chế biến gỗ, thức ăn gia súc, gia cầm, sản xuất các sản phẩm kim loại, sản phẩm nội ngoại thất...
Theo kế hoạch, cụm công nghiệp này sẽ được xây dựng với mục tiêu thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, đồng thời đóng vai trò cầu nối giao thương, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các nhà máy tại đây sẽ ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm thiểu phát thải và xây dựng môi trường sản xuất xanh-sạch, đáp ứng tiêu chuẩn phát triển bền vững.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết dự án không chỉ là một công trình kinh tế mà còn là biểu tượng cho quyết tâm phát triển bền vững của địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân và tạo thêm cơ hội việc làm cho lao động trên địa bàn. "Dự án cũng được định hướng để gắn kết giữa phát triển công nghiệp và bảo vệ môi trường", ông Dũng nói.
Tập đoàn Gia Định, đơn vị đầu tư dự án cho biết cam kết sử dụng công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái. Đồng thời, doanh nghiệp này sẽ tham gia vào các chương trình an sinh xã hội, góp phần cải thiện đời sống cộng đồng địa phương.
Cụm công nghiệp Tam Lập 2 không chỉ tạo thêm việc làm mà còn là cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thông qua các chương trình đào tạo nghề và phát triển kỹ năng lao động. Đây cũng là nền tảng để thúc đẩy hợp tác quốc tế, giúp các doanh nghiệp địa phương tiếp cận công nghệ mới và mở rộng thị trường.
Với định hướng đúng đắn và sự chung tay của các bên liên quan, Cụm công nghiệp Tam Lập 2 hứa hẹn sẽ trở thành một điểm sáng trong chiến lược công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Bình Dương, góp phần xây dựng địa phương ngày càng thịnh vượng và bền vững.
Mới đây, Bộ Kế hoạch đầu tư công bố Bình Dương vượt qua Hà Nội để vươn lên thứ hai cả nước về thu hút vốn ngoại, với 42,39 tỷ USD, trong khi TP HCM vẫn là đầu tàu về thu hút FDI.
Hiện Bình Dương có gần 4.400 dự án FDI, tại 29 khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Tỷ lệ thuê đất tại các khu công nghiệp của tỉnh này đạt trên 93%. Để thu hút vốn ngoại, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp cải thiện môi trường đầu tư. Theo đó, họ cam kết đơn giản thủ tục hành chính, đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng, nhân lực và phát triển các dịch vụ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp.
Dự kiến đến năm 2030, Bình Dương sẽ thực hiện di dời các doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh tại những khu công nghiệp nằm rải rác trong các khu dân cư thuộc địa bàn các thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên và Bến Cát lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh. Ước tính số lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời gần 289.000 người.
Phước Tuấn