Những ngày cuối năm, tại công trường đường số 3 Khu công nghiệp Vsip III (huyện Bắc Tân Uyên), hàng trăm công nhân Công ty TNHH Lego Manufacturing Việt Nam miệt mài hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để đưa nhà máy vào hoạt động.
Đây là dự án được khởi công cùng lúc với khu công nghiệp Vsip III vào cuối năm 2022 trên diện tích 44 ha, vốn tổng vốn đầu tư một tỷ USD. Nhà máy thứ 6 của Lego trên thế giới và thứ hai ở châu Á, cũng là khoản đầu tư lớn nhất của một công ty Đan Mạch vào Việt Nam đến hiện tại, dự kiến tạo ra 4.000 việc làm.
Điểm khác biệt so với những nhà máy trước đó của Lego chính là "nhà máy bền vững nhất" của tập đoàn vì được thiết kế thành cơ sở trung hòa carbon. Nhà máy này cũng sẽ sử dụng các thiết bị sản xuất tiết kiệm năng lượng và xây dựng đáp ứng mức tiêu chuẩn tối thiểu của LEED Gold - chứng chỉ công trình xây dựng xanh được công nhận trên toàn cầu.
Ngoài nhà xưởng, khuôn viên dự án còn thiết kế trồng 50.000 cây xanh trên diện tích 30 ha theo phương pháp Miyawaki (phương pháp trồng cây tạo ra sự che phủ rừng trên đất bạc màu) với các loại cây bản địa Việt Nam.
Tại đây hơn 12.500 tấm pin mặt trời sẽ được lắp đặt trên mái nhà, với tổng công suất 7.4 MW, cùng trang trại năng lượng mặt trời sẽ được xây dựng trên khu đất lân cận để cung cấp năng lượng cho nhà máy. Ông Niels B. Christiansen, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Lego cho biết một trong ba lý do để tập đoàn chọn Việt Nam đầu tư chính là việc Chính phủ Việt Nam đặt cam kết rất cao về trung hòa carbon vào 2050, phù hợp với tìm kiếm của tập đoàn.
Ngoài tập đoàn Lego, hàng loạt công ty ở Bình Dương cũng đang hướng đến phát triển xanh, bền vững và giảm thải carbon.
Tổng công ty Becamex IDC đang đẩy nhanh triển khai khu công nghiệp khoa học và công nghệ theo lộ trình thực hiện Đề án "Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương" tại khu công nghiệp Bàu Bàng và khu công nghiệp Bàu Bàng mở rộng. Đồng thời doanh nghiệp xây dựng khu công nghiệp Cây Trường tại huyện Bàu Bàng rộng 700 ha, quy mô lao động 35.000 người và tổng vốn đầu tư 5.459 tỷ đồng.
Ông Giang Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Becamex IDC cho biết, khu công nghiệp Cây Trường sẽ được xây dựng theo mô hình hệ sinh thái công nghiệp kiểu mới với nền tảng đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, kết hợp với hạ tầng giao thông kết nối vùng, hệ thống logictics. "Đây cũng là nơi đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đầy đủ dịch vụ y tế, giáo dục và hạ tầng xanh, tạo ra môi trường sống và làm việc tốt cho chuyên gia và người lao động", ông Dũng nói.
Trong lễ khởi công cụm công nghiệp Tam Lập 2 rộng 50 ha với vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng, đại diện chủ đầu tư là Tập đoàn Gia Định cam kết sử dụng công nghệ sản xuất sạch, tiết kiệm năng lượng và hạn chế tác động tiêu cực đến hệ sinh thái.
Tập đoàn SEP (Hàn Quốc) dự kiến đầu tư hơn 200 triệu đôla Mỹ để thành lập Khu liên hợp công nghiệp trung hòa Carbon chuyên về ngành giày da và cơ sở hạ tầng giảm thiểu carbon trên diện tích 180 ha tại huyện Phú Giáo...
Trong định hướng quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050, Bình Dương sẽ tái cấu trúc mạng lưới công nghiệp nội tỉnh và xây dựng các mô hình công nghiệp mới, gắn liền với mạng lưới công nghiệp của vùng Đông Nam bộ.
Tỉnh này xác định cần tiếp tục nâng cấp mô hình phát triển công nghiệp của tỉnh nhằm từng bước rời xa thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai. Thông qua việc chuyển đổi mô hình phát triển từ công nghiệp đô thị dịch vụ sang các mô hình phát triển mới, gồm 2 giai đoạn.
Trong đó giai đoạn một, phát triển công nghiệp đô thị dịch vụ thông minh bền vững, xây dựng và nâng cấp các khu công nghiệp hiện hữu trở thành các khu công nghiệp thông minh, với khả năng cung cấp nền tảng công nghệ 4.0 như IoT, BigData... để giúp nhà đầu tư dễ dàng xây dựng, triển khai mô hình nhà máy thông minh, sản xuất thông minh.
Giai đoạn hai sẽ phát triển công nghiệp đô thị, dịch vụ quốc tế, đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ. Xây dựng các khu công nghiệp gắn liền với khoa học và công nghệ thu hút các viện, trường, các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, các ngành dịch vụ, dịch vụ số nhằm thu hút các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao.
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết để đối phó với biến đổi khí hậu, tỉnh đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới: Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, phát triển lấy bền vững làm trọng tâm, hướng tới phát thải ròng bằng 0.
"Bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0, không chỉ là bài toán giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò là một trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung", ông Dũng nói.
Ngoài phát triển các khu công nghiệp xanh hiện đại, thông minh, Bình Dương đang lên phương án di dời hàng loạt các khu công nghiệp, nhà máy nằm giữa các khu dân cư ở TP Dĩ An và Thuận An, Thủ Dầu Một, Tân Uyên. Lộ trình thực hiện di dời dự kiến 2.900 doanh nghiệp tại các địa phương phía Nam lên các khu, cụm công nghiệp phía Bắc của tỉnh Bình Dương sẽ bắt đầu triển khai từ năm nay đến 2030. Trong đó, tỉnh chọn di dời khu công nghiệp Bình Đường (TP Dĩ An) làm thí điểm. Đây là khu công nghiệp đầu tiên của Bình Dương có quy mô 16,5 ha do Tổng Công ty Thương mại, xuất nhập khẩu Thanh Lễ làm chủ đầu tư năm 1993.
Theo kế hoạch, Bình Dương định hướng các khu, cụm công nghiệp phục vụ di dời là các khu công nghiệp như: Cây Trường (huyện Bàu Bàng), Rạch Bắp mở rộng và các cụm công nghiệp của huyện Dầu Tiếng, Phú Giáo. Tỉnh cũng thành lập các cụm công nghiệp chuyên ngành để phục vụ di dời nhà máy của các doanh nghiệp gốm sứ, đồ gỗ.
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương cho biết, việc di dời các khu, cụm công nghiệp và doanh nghiệp ngoài khu, cụm công nghiệp từ phía Nam lên phía Bắc của tỉnh là một chủ trương lớn, góp phần chỉnh trang đô thị, đẩy mạnh phát triển dịch vụ, thương mại, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế ở các địa phương phía Nam.
Tại buổi công bố quy hoạch tỉnh Bình Dương tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh này chủ động, tích cực xây dựng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp thế hệ mới (xanh - số - công nghệ cao - thông minh), tập trung vào đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ 4.0 và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Ngoài công nghiệp xanh, Bình Dương cần kết nối nền kinh tế với vùng, khu vực, quốc gia và quốc tế, nhất là kết nối giao thông xanh, số hóa. "Chủ động phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức. Đặc biệt, là số hóa, xanh hóa nền kinh tế để phát triển nhanh và bền vững", Thủ tướng nói.
Phước Tuấn