Ngày 3/12, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn tiếp đoàn công tác do bà Kristina Bünde, Trưởng ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam làm trưởng đoàn đến thăm và làm việc tại tỉnh.
Trao đổi với Trưởng ban hợp tác, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn cho biết, Bình Định có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế - xã hội. Tỉnh có hệ thống giao thông cơ bản hoàn thiện, đồng bộ, kết nối thuận lợi giữa các địa phương trong tỉnh, vùng, miền trong nước, với đầy đủ phương thức vận tải, bao gồm đường bộ, đường sắt, đường hàng không và đường biển.
Cảng biển quốc tế Quy Nhơn là cảng biển lớn của Việt Nam, có ưu thế là vùng neo đậu kín gió, có thể tiếp nhận các tàu hàng đến 70.000 tấn ra vào an toàn. Cảng hàng không Phù Cát có các chuyến bay đi và đến các tỉnh, thành phố lớn của Việt Nam và đang chuẩn bị nâng cấp thành sân bay quốc tế. Tỉnh đang đầu tư, nâng cấp và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội để sẵn sàng đón các nhà đầu tư, nhất là hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng diện tích 16.000 ha và hạ tầng các cụm công nghiệp với diện tích khoảng 3.000 ha.
Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, EU nói riêng và châu Âu nói chung vốn là thị trường quen thuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, mối quan hệ hợp tác thương mại, đầu tư giữa tỉnh Bình Định và cộng đồng doanh nghiệp châu Âu ngày càng được thúc đẩy và mở rộng. Tuy nhiên, kết quả thu hút đầu tư, phát triển thương mại của hai bên còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của mỗi bên.
Lãnh đạo tỉnh mong muốn bà Kristina Bünde quan tâm làm cầu nối giới thiệu các doanh nghiệp của các nước thành viên EU tiềm năng đến tỉnh Bình Định khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh; đồng thời, phối hợp với tỉnh tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vào thời điểm thích hợp nhằm tuyên truyền, kêu gọi thu hút đầu tư, mở rộng quan hệ hợp tác giữa tỉnh với các doanh nghiệp của EU nói riêng và châu Âu nói chung.
Chủ tịch tỉnh đồng thời nhấn mạnh sự quan tâm của tỉnh trong việc bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng tái tạo, xử lý nước thải và rác thải đô thị, cũng như giảm thiểu phát thải khí carbon; đồng thời, kêu gọi sự hỗ trợ từ các nước và tổ chức quốc tế nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Ông Tuấn cũng đề nghị Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam quan tâm hỗ trợ tỉnh Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung trong nỗ lực tháo gỡ thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản của Việt Nam. Hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh trong việc thực hiện các quy định mới của Liên minh châu Âu (EU), như EUDR (Quy định Chống Phá rừng), sẽ có hiệu lực vào năm 2025; tăng cường hợp tác giáo dục và công nghệ...với các nước thành viên EU và châu Âu.
Trưởng Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam, bà Kristina Bünde đánh giá cao tiềm năng và tiềm lực của tỉnh trong việc phát triển kinh tế xã hội và định hướng phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững.
Bà Kristina Bünde nhấn mạnh Ban hợp tác Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác, mở rộng cơ hội đầu tư tại Bình Định, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng sạch. Bà cam kết sẽ là cầu nối giúp phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa các đối tác tại các nước thuộc khối EU và tỉnh Bình Định trên nhiều lĩnh vực; nỗ lực tìm kiếm các nguồn tài trợ phù hợp, nhằm hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện các dự án liên quan đến bảo vệ môi trường và phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, bà Kristina Bünde cũng đề nghị tỉnh tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng cùng những chính sách hỗ trợ hấp dẫn để thu hút thêm các doanh nghiệp quốc tế đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại tỉnh.
Thế Đan