Nội dung được đề cập trong hội thảo "Định hướng xây dựng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Hàng không và Vũ trụ tại tỉnh Bình Định" hôm 21/11 Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định phối hợp Trung tâm Quốc tế Khoa học và Giáo dục liên ngành (ICISE – TP Quy Nhơn) tổ chức.
Theo các chuyên gia, định hướng xây dựng một Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Hàng không và Vũ trụ của tỉnh Bình Định là một bước đi táo bạo, nhưng hoàn toàn có cơ sở, thể hiện tầm nhìn chiến lược trong việc đón đầu xu hướng phát triển công nghệ cao của tương lai.
Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Định Nguyễn Hữu Hà cho rằng định hướng xây dựng Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Hàng không và Vũ trụ tại tỉnh Bình Định (Trung tâm) là bước đi đúng. Điều này cũng phù hợp Chiến lược phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ vũ trụ đến năm 2030 của Chính phủ cũng như Chương trình hành động của Tỉnh ủy Bình Định.
Theo các chuyên gia, Bình Định có nhiều lợi thế để phát triển nghiên cứu công nghệ hàng không, vũ trụ. Trong đó Tỉnh đang có Trung tâm Khám phá khoa học và Đổi mới sáng tạo - một trong những tổ hợp khám phá khoa học lớn nhất Đông Nam Á. Điểm nổi bật là Trạm quan sát thiên văn với kính thiên văn quang học có đường kính ống 0.6 m, khẩu độ f/6.5 - là dòng kính thiên văn có khả năng thực hiện các đề tài nghiên cứu ở cấp độ Đại học và sau Đại học. Đây không chỉ là công cụ nghiên cứu mà còn là cầu nối giữa khoa học cơ bản và ứng dụng.
Ngoài kính thiên văn chính, tại Trạm quan sát còn có các kính thiên văn phổ thông cũng như nhiều máy móc hỗ trợ giúp quan sát các hành tinh của hệ mặt trời và thiên hà. Vị trí địa lý thuận lợi của Bình Định với địa hình bằng phẳng, gần biển - tạo điều kiện lý tưởng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu không gian.
Đặc biệt, ICISE đóng vai trò là "đầu tàu" kết nối các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Sự hiện diện của các nhóm nghiên cứu chuyên sâu như nhóm vật lý neutrino thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và Giáo dục liên ngành (IFIRSE), cùng sự hỗ trợ từ các tập đoàn công nghệ như FPT, TMA, tạo nên một hệ sinh thái khoa học đa chiều và năng động.
TS Nguyễn Quân, nguyên Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ, Chủ tịch Hội tự động hóa Việt Nam, nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng một lộ trình phát triển bài bản. Trọng tâm không phải là quy mô, mà là chất lượng: ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào các ứng dụng thực tiễn như quốc phòng, quản lý tài nguyên và giảm thiểu thiên tai.
GS Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch Hội Cơ khí Việt Nam gợi mở hướng đi độc đáo - tập trung nghiên cứu, chế tạo vệ tinh nhỏ. Đây có thể là "mũi nhọn" công nghệ giúp Bình Định tạo dấu ấn riêng trong nghiên cứu vũ trụ.
TS Nguyễn Trọng Hiền, Nhóm Vật lý SAGI đề xuất hình thành phòng thí nghiệm không gian (SpaceLab) với trọng tâm phát triển nhân lực và làm theo hướng từ dưới lên, bắt đầu với những nhiệm vụ kỹ thuật ở quy mô khiêm tốn nhưng thiết yếu.
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ cho biết từ ý kiến đóng góp của các chuyên gia, địa phương xác định một số định hướng triển khai xây dựng Trung tâm bám sát các quyết định của Thủ tướng và UBND tỉnh. Trọng tâm là phát triển nguồn nhân lực, thuê đơn vị tư vấn có năng lực để xây dựng báo cáo, đề xuất cơ chế quản lý và tài chính đặc thù nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, hợp tác quốc tế và thu hút chuyên gia chất lượng cao.
Thảo Chi