Trong tổng mức đầu tư, chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 1.000 tỷ đồng. Tỉnh Bình Định đề nghị Thủ tướng xem xét hỗ trợ khoảng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương, phần kinh phí còn lại từ ngân sách địa phương.
Hiện nay sân bay Phù Cát có một đường băng dài 3.048 m, rộng 45 m. Theo quy hoạch, đường băng số 2 chạy song song, cách đường hiện hữu 215 m về phía Tây dài 3.048 m, rộng 45 m.
Báo cáo Chính phủ về nội dung này, Bộ Giao thông Vận tải cho biết cần sớm xây dựng đường cất hạ cánh số 2 của sân bay Phù Cát để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong bối cảnh Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - đơn vị quản lý khai thác sân bay, chưa thể cân đối vốn để đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 nên Bộ ủng hộ giao UBND tỉnh Bình Định đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh số 2 và các công trình khác thuộc khu bay.
Trong thời gian chờ chính sách cho phép sử dụng ngân sách địa phương để đầu tư hạ tầng cảng, Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị tỉnh Bình Định triển khai trước các thủ tục chuẩn bị đầu tư và giải phóng mặt bằng theo quy hoạch bằng vốn địa phương và bố trí khoảng 1.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ dự án.
Theo Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát, thời kỳ 2021-2030 sân bay Phù Cát công suất 5 triệu hành khách và 12.000 tấn hàng hóa mỗi năm, có thể khai thác các máy bay code C như A320/A321 và tương đương. Đến năm 2050, sân bay đạt công suất 7 triệu hành khách và 27.000 tấn hàng hóa mỗi năm, khai thác máy bay code C và tương đương.
Cách trung tâm TP Quy Nhơn 30 km về phía Tây Bắc, sân bay Phù Cát hiện có một nhà ga hai tầng, công suất thiết kế 2,5 triệu khách một năm; một đường băng dài hơn 3.000 m, rộng 45 m và 7 vị trí đỗ.
Những năm qua, ngành du lịch Bình Định phát triển nên sân bay Phù Cát thường quá tải nhất là vào các dịp lễ Tết. Dự báo đến năm 2025, địa phương sẽ đón khoảng 7,5 triệu hành khách và nâng lên 12 triệu vào năm 2030.