Quyết định được Chủ tịch UBND Bình Định Nguyễn Phi Long ký sáng 31/7. Với những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với hội đồng hương để xây dựng kế hoạch đón về.
Trước đó, Bình Định đã thuê máy bay đón 743 người về và cách ly. Tuy nhiên, gần đây đã có 16.000 người về quê tự phát, trong đó nhiều người dương tính nCoV, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm trong tỉnh cao. Trong khi năng lực cách ly tập trung ở tỉnh này đã quá tải.
Lãnh đạo tỉnh cho biết, đã sử dụng hầu hết trường học ở các địa phương để tổ chức cách ly y tế tập trung nhưng gặp nhiều hạn chế trong khâu quản lý, vận hành, sinh hoạt, xử lý rác thải,...; vì vậy, có nguy cơ cao xảy ra lây nhiễm chéo.
Đồng thời, nhân lực, năng lực y tế của tỉnh cũng có nhiều khó khăn và không đảm bảo các yêu cầu chống dịch nếu ca nhiễm ngày càng tăng cao hoặc cùng lúc có nhiều F0 kèm bệnh lý nền, nặng; khả năng ngân sách của tỉnh cũng không đảm bảo các yêu cầu về phục vụ tiếp nhận, cách ly y tế tập trung.
Bình Định đã ghi 161 ca Covid-19 tại 10 huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện An Lão), 684 người có yếu tố dịch tễ cách ly tại các bệnh viện, 4.399 người cách ly tập trung, hơn 70.000 người cách ly tại nhà. Thị xã An Nhơn giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ ngày 30/7, các địa phương còn lại áp dụng Chỉ thị 15 từ ngày 1/8.
UBND Bình Định mong được người dân chia sẻ, ủng hộ chủ trương của tỉnh. "Khi hoàn thành việc chuẩn bị, bổ sung thêm các cơ sở vật chất, nhân lực để chủ động tiếp đón, cách ly, điều trị, đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch, thì tỉnh sẽ tiếp tục đón bà con trở về", ông Nguyễn Phi Long nói.
UBND Bình Định chỉ đạo Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các hội đoàn thể, và người dân trong tỉnh hỗ trợ công dân Bình Định ở các tỉnh phía Nam thông qua hội đồng hương.
Trước đó, Quảng Ngãi, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế cũng đã thông báo dừng đón công dân do năng lực cách ly, điều trị không đủ đáp ứng.