Chỉ trong tuần đầu tiên của tháng 12, địa phương Nam Trung bộ thông báo đã thu hút mới 5 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký đầu tư 3.273,8 tỷ đồng. Trong đó có một dự án thuộc cụm công nghiệp; hai dự án thuộc khu kinh tế, khu công nghiệp; hai dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Lớn nhất trong số này là dự án Khu đô thị Tây Nam xã Nhơn Lý nằm trong Khu đô thị du lịch Nhơn Hội với tổng vốn đăng ký đầu tư 2.812,2 tỷ đồng.
Những dự án liên tiếp đổ về Bình Định góp phần thay đổi diện mạo hạ tầng xã hội, giúp phát triển kinh tế, năng lực cạnh tranh. Đồng thời, để trở thành điểm đến lý tưởng cho những dự án đầu tư lớn, địa phương cũng chứng minh sức hút trên nhiều khía cạnh về điều kiện tự nhiên, xã hội, chính sách.
5 dự án trong tuần đầu tháng 12 giúp Bình Định nối dài những con số tích cực trong mảng thu hút đầu tư.
Theo công bố, lũy kế từ đầu năm tới nay, toàn tỉnh thu hút 64 dự án với tổng vốn đăng ký đạt 14.224,75 tỷ đồng. 61 dự án đến từ vốn trong nước. 3 dự án là vốn FDI. Tính theo lĩnh vực, công nghiệp giữ vai trò chủ đạo với 51 dự án; nông - lâm - thủy sản có 4 dự án; xây dựng, hạ tầng thu hút 3 dự án. Còn lại thuộc lĩnh vực thương mại, bất động sản, du lịch...
Bên cạnh những dự án mới, tỉnh điều chỉnh 109 dự án với vốn đầu tư tăng thêm 2.144,8 tỷ đồng.
Cũng theo thống kê của tỉnh, uớc tính cả năm 2024 có 1.150 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 10.000 tỷ đồng, tăng 5,8% về số doanh nghiệp và 7,8% về vốn so với cùng kỳ. Con số này đạt 115% so với kế hoạch cả năm.
Để đạt những con số trên, thời gian qua, địa phương triển khai nhiều hoạt động. Trong đó, trọng tâm là các chương trình xúc tiến đầu tư. Năm qua, UBND tỉnh liên tục tiếp và làm việc với các tổ chức, doanh nghiệp, đối tác đến khảo sát và đăng ký đầu tư trên các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng tái tạo, chuyển đổi xanh, xây dựng khu đô thị sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp, dịch vụ du lịch, trí tuệ nhân tạo...
Mới nhất, ngày 18/12, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn đã tiếp lãnh đạo của tập đoàn Ramid Hotels and Resorts (Hàn Quốc). Tập đoàn này mong muốn có thể phát triển dự án về khách sạn và dịch vụ du lịch tại Bình Định. Trước đó, đầu tháng 12, tỉnh tiếp phái đoàn Liên minh châu Âu. Cộng đồng doanh nghiệp Thái Lan cũng sang tỉnh để tìm kiếm cơ hội đầu tư cuối tháng 11.
Lãnh đạo tỉnh cũng tiếp và làm việc với Đại sứ quán, Lãnh sự quán, Đoàn công tác của một số nước như Nhật bản, Trung Quốc, Bỉ, Canada, Đức, Mỹ, Italy; ký kết hợp tác với chính quyền 4 tỉnh Nam Lào; hợp tác toàn diện về thúc đẩy chuyển đổi xanh với Tập đoàn Vingroup...
Những sự kiện trên góp phần mang nhiều dự án đầu tư đến tỉnh Nam Trung bộ. Dòng vốn tác động tích cực đến kinh tế xã hội, phục vụ định hướng trở thành tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ, là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía Nam của vùng.
Theo ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, địa phương đang tập trung cho giai đoạn phát triển mới. Bình Định phát triển sau, song sẽ rút kinh nghiệm, tiếp thu vận dụng những tiến bộ, thành tựu trong xây dựng, phát triển của các địa phương trong nước và thế giới để có bước đột phá. Mục tiêu là xây dựng tỉnh phát triển phồn vinh, hiện đại trong 10 năm tới.
Nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung bộ, Bình Định được ví như thỏi nam châm hút đầu tư với nhiều lợi thế.
Đây là địa phương sở hữu hạ tầng giao thông đa dạng, phục vụ cho nhu cầu luân chuyển hàng hóa, con người. Trong đó, đường bộ có 5 tuyến quốc lộ là 1A, 1D, 19, 19B và 19C. Hàng không có sân bay Phù Cát đang được đầu tư mở rộng với công suất khai thác dự kiến 5 triệu khách, 12.000 tấn hàng hóa đến năm 2030.
Nhờ sở hữu đường bờ biển dài, tỉnh cũng có lợi thế trong hàng hải. Cảng quốc tế Quy Nhơn hiện cho phép khai thác đến 10 triệu tấn hàng hóa mỗi năm cùng tàu có tải trọng lên đến 70.000 DWT. Cảng quốc tế Quy Nhơn kết nối trực tiếp với các tuyến quốc lộ, tạo nên tuyến giao thương hàng hóa liền mạch, tăng lợi thế khi doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Ngoài ra, Bình Định còn có tuyến cao tốc Bắc - Nam đi qua và trong tương lai dự kiến sẽ có hai nhà ga nằm trên tuyến đường sắt cao tốc Bắc Nam. Dự án cao tốc Quy Nhơn - Pleiku đang được tỉnh Bình Định chuẩn bị hoàn thành các thủ tục pháp lý vào năm 2025, để khởi công trong nhiệm kỳ tới. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm, kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế vùng.
Giao thông thủy - bộ - hàng không - đường sắt hội tụ vào cùng một điểm đến là ưu thế ít địa phương có được.
Bên cạnh quỹ đất, các khu, cụm công nghiệp hiện có, Bình Định sẽ tiếp tục lập thêm nhiều không gian để đón nhà đầu tư. Trong đó đáng chú ý là Khu công nghiệp Phù Mỹ. Dự kiến, khu công nghiệp này sẽ khởi công vào tháng 3/2025, đúng dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng Bình Định.
Song song đó, hai khu công nghiệp Phù Mỹ và Hoài Mỹ (Thị xã Hoài Nhơn) cũng đang dần hình thành, hứa hẹn mở ra dư địa phát triển lớn cho địa phương. Lãnh đạo tỉnh cho hay nhiều nhà đầu tư lớn đã bày tỏ sự quan tâm đến hai khu công nghiệp này.
"Chúng tôi đã việc với các nhà đầu tư tiềm năng, phần lớn đều là những dự án quy mô hàng trăm triệu USD, thậm chí đến cả tỷ USD. Tôi tin rằng, chỉ cần một nửa trong số này thành công, Bình Định sẽ cất cánh," ông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh.
Với yếu tố chính sách, địa phương Nam Trung bộ cởi mở và có nhiều hỗ trợ cho doanh nghiệp. Đơn cử là thủ tục đầu tư. Theo đó, thời gian giải quyết các thủ tục từ khi chấp thuận chủ trương đầu tư đến khi có giấy phép xây dựng đối với các dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp được rút ngắn từ 242 ngày theo quy định còn 118 ngày; các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp từ 145 ngày theo quy định được rút ngắn còn 60 ngày.
Việc rút ngắn thời gian làm thủ tục giúp nhà đầu tư dễ dàng nắm bắt các trình tự thực hiện, giảm số lần đi lại, tiết kiệm chi phí.
Lãnh đạo cũng thường xuyên gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp để nghe ý kiến, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn.
Hiện tỉnh địa phương Nam Trung bộ tập trung thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, trên các lĩnh vực: công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường; du lịch; năng lượng tái tạo; dịch vụ cảng và logistics; nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu nông sản; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa.
Với những ngày đang nổi như bán dẫn, AI hay an ninh mạng, Bình Định có hướng đi khác biệt, coi đây là một trong những lĩnh vực chiến lược để tỉnh bứt phá. Trong đó, thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần khai thác tiềm năng của ngành bán dẫn và AI, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho cộng đồng.
Hoài Phương