Tôi gặp chị trong chuyến công tác vài năm trước. Đoàn y tế chúng tôi đến vùng núi cao biên giới thuộc tỉnh Lai Châu cũng vào những ngày mùa đông như bây giờ.
Trong đêm giá rét, cuộc chuyển dạ ở bệnh viện huyện thuận lợi, mẹ tròn con vuông. Nhưng nếu chẳng may có diễn biến bất thường, các bác sĩ cũng không có gì lạ vì chị không có điều kiện theo dõi, chăm sóc thai kỳ. Đồng nghiệp của tôi ở miền núi kể, không ít sản phụ còn không tới được bệnh viện như chị. Họ sinh con ở nhà, như hàng trăm năm trước. Cuộc sinh trông chờ vào sự mát tay của bà Mụ và rủi may của số phận.
Đoàn chúng tôi tặng sản phụ và bệnh viện nhiều bộ đồ thiết yếu chăm sóc hậu sản và trẻ sơ sinh. Nhưng cảnh khổ của người phụ nữ vùng cao luôn ở trong tâm trí tôi.
Trên cương vị nhiều năm là Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam, tôi từng đặt chân đến những vùng miền có thể nói là nghèo nhất, khó khăn nhất của đất nước.
Tôi không khỏi xót xa khi thấy có những trạm y tế, bệnh viện gồm một vài dãy nhà cấp bốn chắp vá, bong tróc, xiêu vẹo, thiếu thốn thuốc men thiết yếu. Ở rất nhiều trạm y tế xã, bệnh viện huyện, trang thiết bị máy móc xét nghiệm cũ hỏng, xuống cấp. Những kỹ thuật chuyên môn cơ bản như siêu âm, nội soi chẩn đoán, truyền máu, mổ lấy thai, mổ viêm ruột thừa chưa được triển khai đầy đủ.
Cuộc sống người dân những nơi đó rất thiếu thốn, vẫn sinh hoạt đơn sơ như hàng thế kỷ trước. Người có bệnh nặng phải vượt núi đèo quanh co, hiểm trở để đến tuyến trên. Có khi bệnh nhân được vận chuyển trên những chiếc xe bò kéo thô sơ, xóc nảy, đường trơn trượt bùn lầy. Chỉ quãng đường 10 km, họ phải lặn lội mất hàng giờ đồng hồ.
Dù Việt Nam đạt được những thành tựu y tế đáng khâm phục so với các nước cùng trình độ, nhưng nâng cao chất lượng y tế tại tuyến cơ sở, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, vẫn là thách thức lớn.
Nguồn nhân lực, yếu tố giữ vai trò quyết định trong cung cấp dịch vụ y tế ở vùng khó khăn không những yếu về chất mà thiếu trầm trọng về lượng. Đặc biệt là bác sĩ các chuyên khoa thiết yếu như cấp cứu, sản khoa, nhi khoa, gây mê hồi sức hay bác sĩ chuyên khoa đòi hỏi thời gian đào tạo kéo dài như ngoại khoa.
Việc thu hẹp sự bất cân đối về con người, chất lượng khám chữa bệnh giữa các cộng đồng đòi hỏi ngành Y ưu tiên đẩy mạnh chương trình đưa nhân lực có trình độ về tuyến cơ sở. Phong trào tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng, Đề án 585 (đào tạo, đưa bác sĩ chuyên khoa về 62 huyện nghèo) đã và đang khuyến khích được nhiều y bác sĩ dấn thân để bù đắp khoảng trống cách biệt miền xuôi - miền ngược.
Nhưng đây chưa phải giải pháp dài hạn. Nguồn nhân lực y tế cơ sở bền vững chính là người địa phương - những y bác sĩ có thể gắn bó cả đời với quê hương của họ. Điều này chỉ có được khi nhà nước cho phép học sinh vùng cao có thể đỗ vào các trường Y, Dược với điểm chuẩn thấp hơn như đặc thù cho vùng khó khăn thì mới có đủ nguồn y bác sĩ đào tạo đầu vào. Song song đó là các chương trình đào tạo cập nhật liên tục nhằm bồi dưỡng chuyên môn cho nhân viên y tế vùng xa.
Tôi cho rằng một nguyên nhân quan trọng dẫn đến thiếu hụt và phân bổ không đều nhân lực y tế giữa các vùng địa lý là do chưa có chế độ ưu đãi đặc biệt, chưa cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt nhằm tạo sự an tâm và hài lòng với công việc cho cán bộ y tế vùng cao. Vai trò chủ động của chính quyền địa phương với câu chuyện này hết sức quan trọng. Áp dụng các giải pháp công nghệ thông tin, triển khai y học từ xa để tăng cường hoạt động hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới là cách có thể làm ngay để giảm cảm giác đơn độc, cách ly môi trường y khoa chuyên nghiệp của vùng sâu.
Bên cạnh đó, tiếp tục cải thiện Y học dự phòng là chiến lược quyết định đối với quốc gia. Phòng bệnh bao giờ cũng hơn đợi có bệnh mới chữa. Và điều trị sớm luôn đỡ tốn kém, bớt gánh nặng, đau đớn cho người bệnh, gia đình và xã hội hơn nhiều.
Khi dịch bệnh Covid-19 với các biến chủng mới còn rất khó đoán định, y học dự phòng là một giải pháp cho các vấn đề phía trước. Mỗi cá nhân có ý thức cải thiện lối sống và sức khỏe sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh, dù là bệnh gì. Ở quy mô cộng đồng, y học dự phòng là tấm lưới quan trọng không kém vaccine. Chính tại cơ cở y tế gần nhà, người dân dễ tiếp thu nhất các nguyên tắc, kiến thức phòng bệnh, vệ sinh môi trường, dinh dưỡng an toàn, sinh sản an toàn, tiêm chủng, khám sức khoẻ định kỳ... nếu được làm đúng cách.
Thành công của một ca phẫu thuật có thể cứu sống một người, nhưng thành công của một chiến lược y tế có thể cứu sống và nâng cao chất lượng sống cho hàng triệu người.
Nỗ lực thu hẹp bất bình đẳng y tế còn để xây dựng một nền Y học mà ở đó, mọi người bệnh được chăm sóc y tế như nhau.
Trần Văn Thuấn