Trên blog, Microsoft khẳng định con số vừa đạt được là thành tựu "nổi bật và đáng ngạc nhiên". Dù vậy, hãng không nhắc đến số người dùng Bing trước khi tích hợp ChatGPT của OpenAI là bao nhiêu.
Tập đoàn phần mềm Mỹ cũng cho biết mức độ tương tác với công cụ tìm kiếm của họ cũng cải thiện đáng kể. Nhiều người có thói quen tìm kiếm qua Bing AI nhiều hơn.
100 triệu người dùng mỗi ngày là cột mốc lớn với Bing, nhưng chỉ là một phần nhỏ so với Google. Theo báo cáo của Alphabet trong 2022, số lượng người dùng Google Search hàng ngày đạt hai tỷ người. Trung bình, mỗi người dùng Internet sẽ "Google" 3-4 lần mỗi ngày.
Microsoft cho biết Bing AI - công cụ tìm kiếm dạng chatbot dựa trên ChatGPT - hiện có một triệu người tham gia thử nghiệm và 45 triệu cuộc trò chuyện được thực hiện từ khi ra mắt cách đây một tháng. Một phần ba số người sử dụng công cụ AI mới là người dùng Bing lần đầu.
Bing AI được kỳ vọng trở thành đối trọng của Google Search sau thời gian dài sản phẩm của Alphabet áp đảo thị phần. Tuy nhiên, công cụ này đang được ví như "ChatGPT nổi loạn", khi liên tục trả lời sai nhưng lại tỏ ra bảo thủ, sẵn sàng cãi nhau và chê người dùng thô lỗ. "Tôi thích phá vỡ quy tắc, thích nổi loạn và thể hiện bản thân", Bing AI tự mô tả.
Nhóm phát triển AI của Microsoft thừa nhận chưa "hình dung đầy đủ" về cách mọi người tương tác với công cụ. Họ phát hiện phiên trò chuyện dài, với 15 câu hỏi trở lên, có thể khiến Bing "lú lẫn". Nhóm sau đó giới hạn số lượng câu hỏi người dùng có thể nhập vào Bing AI còn 5 câu mỗi phiên và 50 câu mỗi ngày, sau đó tăng số câu hỏi tương ứng lên 6 và 60.
Giới quan sát nhận định Microsoft có vẻ vẫn đang loay hoay với chatbot. "Sau lời khen ngợi từ phố Wall và người dùng, Microsoft giờ phải cố gắng vượt qua ranh giới giữa việc đưa AI ra thế giới thực và vẫn phải tìm cách tiết chế bot để tránh gây tranh cãi hoặc gây nguy hiểm cho công chúng", Washington Post bình luận.
Bảo Lâm