![]() |
Bill Clinton trò chuyện với một phụ nữ Aceh, Indonesia (30/5). |
Năm 2001, khi tâm sự về việc này, ông thừa nhận là ước mơ này không thực tế. Nhưng ông lại phân tích tất cả các chi tiết rất tỉ mỉ, như thể ông đang chuẩn bị cho một chiến dịch tranh cử: liệu một tổng thống Mỹ có ủng hộ ông hay không, và phải làm gì để thuyết phục các nước khác thay đổi truyền thống là cương vị cao nhất không nên được trao cho một người thuộc một nước ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an.
Giờ đây, Clinton vẫn coi đó chỉ là một chút mơ mộng chứ không phải là một kế hoạch nghiêm túc. Nhưng ông không giấu giếm tham vọng trở thành một chính trị gia quốc tế. Clinton muốn đưa ra một khuôn mặt khác của nước Mỹ, một sự đối lập với Tổng thống Bush.
Việc ông được bổ nhiệm làm đại diện của Liên Hợp Quốc phụ trách cứu trợ các nạn nhân sóng thần là một minh chứng nổi bật nhất về các hoạt động của Clinton ở nước ngoài. Mức độ ảnh hưởng của vị tổng thống thứ 42 của nước Mỹ sẽ càng rõ ràng hơn vào tháng 9. Đó là khi đông đảo các lãnh đạo thế giới, chính trị gia Mỹ, người đứng đầu doanh nghiệp, và những người nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực sẽ đến New York dự hội nghị Sáng kiến Toàn cầu Clinton lần thứ nhất.
Sự kiện này, như Clinton miêu tả, dựa theo mô hình Diễn đàn Kinh tế Thế giới hằng năm ở Davos, Thuỵ Sĩ. Nhưng Clinton cho biết ông muốn hội nghị của mình tập trung vào những kết quả cụ thể: “Tôi nói với mọi người là không nên đến trừ phi họ sẵn sàng cam kết làm một việc gì đó khi họ rời hội nghị”. Chủ đề bàn luận sẽ là chống nghèo đói, tranh chấp tôn giáo và nạn ô nhiễm môi trường.
Trong số những người dự định tham dự có Thủ tướng Anh Tony Blair, Vua Abdullah của Jordan, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Kofi Annan và thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger. Ngay cả trùm truyền thông Rupert Murdoch, mà tờ New York Post và hãng Fox News của ông này vốn là các diễn đàn ưa thích cho những người chỉ trích Clinton quyết liệt nhất, cũng định có mặt.
Jimmy Carter, tổng thống thứ 39, cũng từng tổ chức những hoạt động quốc tế. Nhưng sự kiện tới đây sẽ minh chứng những việc làm sau khi mãn nhiệm của Clinton về nhiều phương diện là chưa có tiền lệ.
Carter, người mà Clinton miêu tả là vị cựu tổng thống Mỹ gây ấn tượng nhất trong lịch sử hiện đại, giành được giải Nobel hoà bình. Nhưng mấy năm đầu sau khi bị đánh bại trong cuộc bầu cử nhiệm kỳ 2, ông sống lẻ loi và không được mấy ai biết đến. Đa số công việc của Carter diễn ra ở những làng mạc thuộc thế giới thứ ba, không có camera theo cùng. Clinton trái lại thường xuyên ở trên trang nhất mỗi khi xuất ngoại. Trong năm nay, ông đã tới thăm 22 nước và đã gặp hơn 30 nguyên thủ quốc gia đương chức hay đã mãn nhiệm.
Các cố vấn cho biết mục tiêu của Clitnon là tận dụng sự nổi tiếng và mối quan hệ của mình với các nguyên thủ quốc gia, những người giàu có và nổi tiếng cho những sứ mệnh như năng lượng sạch hay chống AIDS. Ví dụ, Quỹ Clinton đã thương thuyết được với các công ty dược phẩm để giảm mạnh giá thuốc chữa trị AIDS và giúp chuyển chúng tới khoảng 110.000 bệnh nhân ở thế giới đang phát triển, và mục tiêu là sẽ đem thuốc tới 2 triệu người vào năm 2008.
Sự nghiệp hậu Nhà Trắng của Clinton có một yếu tố lịch sử thú vị. Trong những nắm đầu nắm quyền, người ta thường coi ông là một tổng thống chủ yếu hoạt động trong nước. Điều này không hoàn toàn chính xác. Thực ra, ngay từ những tháng đầu tiên nhiệm kỳ thứ nhất năm 1993, Clinton thường xuyên họp mặt vào buổi tối với các cố vấn về Nga, nước mà ông coi lúc bấy giờ là thách thức đối ngoại chính. Tuy nhiên, đối với vị tổng thống trẻ khi đó, chính sách đối ngoại là thứ “khó nhằn”. Năm 1993 và 1994 diễn ra một loạt những sự kiện đau thương: sứ mệnh hoà bình đổ vỡ ở Somalia, 2 năm thanh trừng sắc tộc ở Bosnia, thảm sát khiến 800.000 người thiệt mạng ở Rwanda. Clinton đã gọi việc Mỹ không hành động kịp thời ở Rwanda là nỗi hối tiếc lớn nhất của ông khi làm tổng thống.
Tuy nhiên, bắt đầu từ hiệp định Dayton chấm dứt chiến tranh Bosnia năm 1995, Clinton bắt đầu cảm thấy tự tin đối với chính sách đối ngoại. Ông nhận thức được, như nhiều cựu thành viên trong chính phủ của ông miêu tả, là chính sách đối ngoại thực ra cũng không khác là bao sao với môn mà ông rành nhất: chính trị trong nước. Theo như Clinton, thì cả hai đều đòi hỏi khả năng thuyết phục để buộc các nhà lãnh đạo khác phải đưa ra những quyết định khó khăn về mặt chính trị.
Mặc dù nhìn chung Clinton ủng hộ Bush trong cuộc chiến Iraq, trong các bài phát biểu gần đây, ông thường xuyên đưa ra những lời chỉ trích ngầm. “Chúng ta không thể để các nước còn lại trên thế giới nhìn chúng ta chỉ qua lăng kính tiêu cực hay sai bảo họ”, ông bình luận tại Phòng Thương mại ở Lancaster, Pennsylvania. “Tại sao? Bởi vì nếu các bạn sống trong thế giới các bạn không thể giết, cầm tù hay xâm chiếm hết đất đai của các kẻ thù của bạn, an ninh sẽ không bao giờ là đủ. Các bạn phải tạo ra một thế giới thêm bạn bớt thù”.
Clinton cho rằng Bush đã làm yếu vị thế của Mỹ trên thế giới khi tạo ra một hình ảnh ngạo mạn. Quan điểm của đương kim tổng thống là hoan nghênh các đồng minh và không để những kẻ bất đồng ngăn ông làm những gì cần thiết để đảm bảo an ninh.
Mặc dù quan hệ Bush-Clinton có vẻ suôn sẻ - Bush thường xuyên ca ngợi người tiền nhiệm của mình và còn giao cho ông sứ mệnh đến thăm các khu vực chịu sóng thần, hai vị tổng thống đại diện cho hai thái cực trong cuộc tranh luận về đường lối đối ngoại của nước Mỹ về việc nên dùng vũ lực hay thuyết phục, kể từ sau sự kiện 11/9.
Nhiều thành tích thời Nhà Trắng của Clinton dựa trên triết lý nước Mỹ là bạn. Ông mở rộng liên minh NATO và dùng tình bạn với Boris Yeltsin để thiết lập quan hệ hợp tác với Nga. Những nỗ lực này đã phát huy tác dụng, khi Matxcơva giúp Mỹ giải quyết xung đột sắc tộc ở Balkans bằng cách gửi người hoà giải tới Bosnia và can thiệp để Serbia đầu hàng trong cuộc chiến Kosovo.
Còn Bush thì cho rằng người tiền nhiệm của ông quá ngây thơ. Theo Tổng thống Mỹ và các phụ tá của ông, những nỗ lực thuyết phục cố chủ tịch Palestine Yasser Arafat đạt thoả thuận hoà bình với Israel là dại dột, trong khi Clitnon lại không làm được nhiều để đối phó với những mối đe doạ đang gia tăng từ Iraq và mạng lưới khủng bố Al-Qaeda.
Clinton còn bị chỉ trích là tỏ ra bị động trong việc quản lý chính phủ của mình, kể cả trong những vấn đề chống khủng bố. Ông thậm chí không nói chuyện được với giám đốc FBI khi đó là Louis J. Freeh, người mà ông đã bổ nhiệm. Richard Clarke, một cựu quan chức chống khủng bố làm việc cả dưới thời Clinton và hai cha con Bush, nhớ lại: “Clinton đưa ra các đề nghị và yên trí rằng chúng sẽ được thực thi hoặc những người xung quanh ông sẽ tự biết phải làm gì”. Theo Clarke, lẽ ra cựu tổng thống nên sa thải Freeh hơn là chịu đựng một mối quan hệ tàn tạ với một quan chức an ninh chủ chốt.
Những hoạt động hiện giờ của Clinton còn cho thấy dường như ông đang chuộc lỗi sau vụ bê bối với Monica Lewinsky. Ngay cả khi còn làm tổng thống, giữa lúc sóng gió về scandal tình ái, ông miêu tả các cuộc thương thuyết Trung Đông là “cuộc hành trình bù đắp của cá nhân tôi”. Một trong những người giúp Clinton quyên tiền cho các nạn nhân sóng thần là cựu chánh văn phòng Nhà Trắng Erskine Bowles. Chính Bowles từng cảm thấy thất vọng về cách cư xử của Clinton trong vụ bê bối đến mức tình bạn giữa hai người có thời gian đã trở nên lạnh nhạt và chỉ gắn với công việc.
Ở Mỹ, cuộc tranh luận về đường lối của Bush và Clinton vẫn còn chưa tới hồi kết. Nhưng ở nước nước ngoài, thì việc ai chiến thắng đã rõ ràng. Trong khi Bush gây ra sự ngờ vực sâu sắc thì Clinton lại rất được yêu mến ở châu Âu.
Arnout Brouwers, một biên tập viên nổi tiếng của Hà Lan chuyên nghiên cứu chính trị Mỹ, bình luận: “Người châu Âu ưa cách truyền đạt nhẹ nhàng của Clinton với thế giới. Lý lịch cá nhân của ông ấy, sự quyến rũ của ông ấy, thậm chí cả những điểm yếu của ông ấy khiến người ta cảm thấy ông ấy như là một người trong chúng ta”.
Cựu thủ tướng Đức Helmut Kohn, một người bạn của Clinton, đồng ý với nhận xét này: “Lý do Bill Clinton được yêu quý ở châu Âu rất đơn giản: Ông ấy vốn là như thế, một con người đầy sức lôi cuốn".
Khi được hỏi về ước mơ đứng đầu Liên Hợp Quốc của Clinton, Kohl cho biết: “Tôi không biết Clinton có muốn đến Liên Hợp Quốc làm không. Nếu đúng là vậy, tôi sẽ ủng hộ ông ấy”.
M.C. (theo Washington Post)