Đám đông tập trung giữa cái nắng gay gắt sáng 12/9, hô vang khẩu hiệu "tự do" và "không lều trại". Nhóm người di cư, chủ yếu từ châu Phi và Afghanistan, đòi chuyển khỏi đảo Lebos trong khi chính quyền Hy Lạp đang dựng lại nơi ở cho họ.
Nhiều người biểu tình còn đem theo các tấm bảng viết tay mang những thông điệp như "Chúng tôi không muốn đến một địa ngục như Moria nữa", "Chúng tôi không muốn bị lửa thiêu rụi" hay "Bà có nghe thấy tiếng chúng tôi không Merkel?".
Lực lượng cảnh sát buộc phải bắn hơi cay giải tán người biểu tình khi nhóm người này cố tuần hành xuống con đường dẫn đến cảng Mytilene của hòn đảo, khu vực đã bị phong tỏa. Cuộc đụng độ giữa cảnh sát và hàng trăm người di cư sau đó diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.
Vụ hỏa hoạn ở trại Moria, nơi đang có số lượng người gấp 4 lần so với sức chứa, tiếp tục gây thêm thách thức cho cuộc khủng hoảng di cư mà Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt.
Bộ trưởng Di trú và Tị nạn Hy Lạp Panagiotis Mitarachis xác nhận vụ hỏa hoạn dường như là hành động cố ý phóng hỏa từ những người được cho là bức xúc với lệnh phong tỏa. Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis đã ban bố tình trạng khẩn cấp trên đảo Lesbos và lên án những kẻ bạo loạn gây ra hỏa hoạn.
Giới chức Hy Lạp khẳng định họ sẽ quyết tâm cung cấp nơi trú ẩn an toàn và vệ sinh phù hợp để ngăn chặn thảm họa nhân đạo trên hòn đảo. Các quan chức y tế đã cam kết sẽ tiến hành xét nghiệm nhanh tại lối ra vào trại và chuẩn bị sẵn nơi cách ly cho người nhiễm nCoV.
Trại tị nạn Moria đang chứa khoảng 13.000 người di cư, gấp 6 lần sức chứa tối đa 2.200 người dự tính. Cơ quan Tị nạn Liên Hợp Quốc cho biết hơn 4.000 trẻ em đang sống trong tại tị nạn lớn nhất châu Âu nằm trên đảo Lesbos này.
Ngọc Ánh (Theo Reuters)