Tại Anh, hàng nghìn người biểu tình đã tập trung tại Quảng trường Quốc hội ở trung tâm London và những con phố xung quanh, bất chấp thời tiết lạnh và mưa như trút nước. Hầu hết mọi người đều đeo khẩu trang để ngăn nCoV và liên tục hô vang "George Floyd", "Mạng sống người da màu cũng quan trọng", "Không công lý, không hòa bình".
Không khí im lặng sau đó bao trùm quảng trường trong khoảng một phút, khi mọi người đồng loạt quỳ xuống nền đất ẩm ướt và giơ nắm đấm lên trời, biểu tượng cho phong trào chống phân biệt chủng tộc.
Tại Paris, Pháp, chính quyền đã cấm mọi người tụ tập trước Đại sứ quán Mỹ, song hàng nghìn người dự kiến vẫn biểu tình tại đó và khu vực gần tháp Eiffel. Điều này lặp lại một cuộc biểu tình hôm 3/6 thu hút gần 20.000 người tham gia, tưởng nhớ đến Adama Traoré, một người Pháp đã chết sau khi bị cảnh sát bắt giam vào năm 2016.
Thủ tướng Đức Angela Merkel nói cái chết của George Floyd "thật khủng khiếp" và "phân biệt chủng tộc". "Chúng tôi biết một vài điều về phân biệt chủng tộc ở đây và có rất nhiều điều phải làm liên quan tới nó. Đó là những điều tôi muốn nói rõ ràng", bà Merkel cho biết trong cuộc phỏng vấn với đài phát thanh Đức Deutsche Welle.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức cho biết bà tin rằng "với sức mạnh dân chủ ở Mỹ, họ sẽ có thể vượt qua tình huống khó khăn này".
Cùng ngày, hàng chục nghìn người dân trên khắp các thị trấn và thành phố ở Australia cũng xuống đường biểu tình ủng hộ cho phong trào "Mạng sống người da màu cũng quan trọng", bất chấp cảnh báo của Thủ tướng Scott Morrison rằng các cuộc tụ tập lớn có thể gây ảnh hưởng tới nỗ lực kiểm soát Covid-19.
Các cuộc biểu tình ở Mỹ đã lan khắp 50 bang sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5.Biểu tình nâng lên thành đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi ký ức về những cái chết thương tâm và bất công của người da màu được khơi dậy.
Ngọc Ánh (Theo NY Times)