Theo video lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội, 4 sĩ quan cảnh sát ở thành phố Indianapolis, bang Indiana, đã cùng nhau trấn áp một phụ nữ tham gia biểu tình. Tuy nhiên, khi người này chống cự, một sĩ quan đột nhiên xuất hiện và hét: "Đánh cô ta đi".
Sau đó, hai cảnh sát đã sử dụng dùi cui, liên tiếp đánh vào chân người phụ nữ biểu tình cho đến khi cô khuỵu xuống đất. Một sĩ quan bên ngoài cũng liên tục bắn đạn hơi cay về phía người phụ nữ.
Người phụ nữ thứ hai xuất hiện và liên tục nói lớn: "Tại sao lại là cô ấy". Cô cũng bị một cảnh sát đẩy mạnh xuống đất và sau đó nhiều sĩ quan lao vào ghì cô xuống mặt đường.
Thị trưởng Joe Hogsett đã nhắc tới video trong cuộc họp báo hôm 5/6, khi ông định công bố chính sách sử dụng vũ lực mới, trong đó sẽ cấm cảnh sát thành phố thực hiện thao tác kẹp cổ.
"Tôi nghĩ rằng sẽ không có bất cứ ai có thể xem đoạn video này mà không đau xót. Bất cứ khi nào các sĩ quan của chúng tôi được triển khai, khoảnh khắc ấy luôn là lời nhắc nhở về công việc mà chúng tôi vẫn làm để đem lại bình yên cho thành phố", Hogsett nói.
Giám đốc sở Cảnh sát Thành phố Indianapolis Randal Taylor cho biết ông đã mở một cuộc điều tra nội bộ về sự việc đáng tiếc và ông dự kiến công bố kết quả vào tuần tới.
"Khi xem video đó, chính tôi cũng lo ngại", Taylor nói, thêm rằng ông cũng không biết danh tính của hai phụ nữ biểu tình. Các cảnh sát liên quan đã bị chuyển công tác và sẽ thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ cho đến khi kết thúc điều tra.
Indianapolis đang chìm sâu trong các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc. Hôm 5/6, giới chức thành phố đã khôi phục lại lệnh giới nghiêm từ 20h tới 6h hôm sau. Cuối tuần trước, ba người đã bị bắn và một người đã thiệt mạng trong các sự cố liên quan biểu tình. Không có vụ nổ súng nào liên quan đến cảnh sát.
Biểu tình ở Mỹ đã lan khắp 50 bang sau khi George Floyd, một người đàn ông da màu, bị cảnh sát ghì chết hôm 25/5. Các cuộc biểu tình nâng lên thành cuộc đấu tranh chống phân biệt chủng tộc khi ký ức về những cái chết thương tâm và bất công của người da màu được khơi dậy.
Ngọc Ánh (Theo Washington Post)