Marawi từng là một vùng đô thị sầm uất, đông đúc với dân số gần 200.000 người. Nhưng chỉ sau một tuần bị phiến quân thân Nhà nước Hồi giáo (IS) Maute chiếm đóng, nó giờ đây trông không khác gì một "thành phố ma", theo Guardian.
Theo số liệu từ quân đội, 30 nhân viên an ninh, 19 dân thường cùng 89 tay súng phiến quân đã thiệt mạng vì giao tranh ở Marawi. Tuy nhiên, con số có khả năng còn cao hơn thế bởi các binh sĩ cho biết họ thấy rất nhiều xác người trên các con đường bên trong thành phố.
Quân đội Philippines đã điều hàng loạt trực thăng vũ trang cùng xe tăng tấn công nhằm giành lại Marawi từ tay phiến quân Maute. Mắc kẹt giữa cuộc giao tranh là khoảng 2.000 dân thường không kịp sơ tán. Và "Biệt đội cảm tử" xuất hiện. Họ, với vỏn vẹn chỉ 30 nhân viên tình nguyện, lái xe xông vào giữa tuyến lửa, bất chấp đạn lạc, bom rơi để giải cứu những người dân đang phải lẩn trốn trong cơ cực, thiếu thốn.
Nguy hiểm rình rập
Tình thế giao tranh tại Marawi vô cùng phức tạp. Những tay súng phiến quân áp dụng chiến thuật ẩn nấp, trà trộn vào nhà dân nên rất khó phát hiện. Bên cạnh đó, nguy cơ bị quân đội chính phủ nã pháo nhầm cũng luôn rình rập. Hôm 31/5, 10 binh sĩ Philippines vừa thiệt mạng vì bị đồng đội không kích nhầm trong một chiến dịch tấn công phiến quân.
"Phiến quân hiểu rõ về khu vực này", Ross Alonto, người điều phối hai đội giải cứu, cho hay. "Chúng có thể tìm ra những điểm thuận lợi nhất để bắn tỉa".
7 ngày qua, các thành viên "Biệt đội cảm tử" không ít lần suýt dính đạn từ cả phiến quân lẫn quân đội chính phủ. Họ không có các thiết bị bảo hộ tiêu chuẩn. Một số người mang những chiếc mũ bảo hiểm trắng bằng nhựa, có thể tránh đá rơi nhưng vô hiệu trước súng đạn. Trước khi lên đường, họ thường đeo băng trắng vào tay và gắn cờ trắng trên xe để ra dấu rằng mình không phải lực lượng chiến đấu.
"Chúng tôi giống như tổ chức Mũ bảo hiểm Trắng", Abdul Azis Lomondot, 25 tuổi, thành viên biệt đội, nhận xét, đề cập tới nhóm viện trợ nhân đạo nổi tiếng với nhiệm vụ cứu người khỏi những đống đổ nát tại Syria.
Nhưng khác với Mũ bảo hiểm Trắng, nhiều thành viên trong "Biệt đội cảm tử" không có kinh nghiệm y tế. Họ chủ yếu là sinh viên và công chức nhà nước.
"Tôi không được đào tạo về y tế nhưng tôi muốn giúp", Lomondot, sinh viên ngành quan hệ quốc tế, nói. "Chúng tôi mạo hiểm tính mạng của mình. Chúng tôi không hề muốn cuộc xâm lược này. Marawi từng vô cùng yên bình. Nay nó bị vây hãm".
Nhiều thành viên của "Biệt đội cảm tử" cũng là người dân Marawi nhưng đã sơ tán sau khi thành phố bị phiến quân tấn công. Một số người tình nguyện quay trở về để hỗ trợ thân nhân, bạn bè bị tụt lại. Vài ngày sau khi thành phố bị chiếm, chính phủ thành lập một đường dây nóng để các cư dân mắc kẹt có thể liên lạc. "Biệt đội cảm tử" ra đời từ đây.
"Bạn có thể nói nó hình thành một cách tự phát", Alonto chia sẻ. "Chúng tôi thường nhận điện thoại từ người dân, xác định vị trí của họ trên bản đồ rồi mới lên đường giải cứu".
Tuy nhiên, có rất nhiều người "Biệt đội cảm tử" không thể tiếp cận. Sáng 31/5, họ nhận được một cuộc gọi tuyệt vọng từ ba người. Quá sợ hãi vì chạm trán các tay súng IS trên phố, họ cố bơi qua một con sông để bỏ trốn nhưng bất thành. Hiện thi thể họ vẫn mất tích.
Cô lập
Hội Chữ thập Đỏ đã kêu gọi ngừng chiến tạm thời để người dân còn mắc kẹt sơ tán. Song, những khu vực bị phiến quân chiếm đóng không thể liên lạc.
"Chúng tôi không thể giải cứu người dân nếu súng vẫn nổ", Martin Thalmann, đại diện Ủy ban Quốc tế của Hội Chữ thập Đỏ tại Philippines, cho hay. "Bởi nếu làm vậy, chúng tôi sẽ đặt tính mạng của các nhân viên vào nguy hiểm".
"Chúng tôi nhìn thấy nhiều vũ khí hạng nặng, pháo binh cũng như các vụ oanh kích từ trên không. Và hẳn nhiên trước những loại khí tài này, chúng tôi càng lo lắng hơn về thiệt hại đối với dân thường bị mắc kẹt" ông nhấn mạnh.
Trực thăng quân đội chính phủ Philippines trên bầu trời Marawi
Hôm 30/5, Lomondot tìm thấy ba đứa trẻ ẩn nấp trong một căn nhà suốt một tuần mà không có điện, nước. Gia đình các em sở hữu một tiệm tạp hóa và không muốn rời đi vì sợ bị cướp hết đồ đạc.
Amar Usman Jamail, 16 tuổi, cùng em gái Amaliah, 10 tuổi, và chị Jamielah, 18 tuổi, ở lại với cha mẹ vì tin tình trạng bất ổn sẽ nhanh chóng qua đi.
Amar kể khi nhìn ra ngoài cửa sổ vào ban đêm, em thấy những người đàn ông đeo mặt nạ đen, mang súng trường, đi lại trên phố. "Chúng cháu rất sợ hãi", Amar nói. "Những ngôi nhà xung quanh đây đều đã bị thiêu rụi".
Gia đình Amar sống sót mấy ngày qua nhờ những hộp cá mòi và cá ngừ chế biến sẵn. Khi quân đội chính phủ đến nơi, Jamielah bị mất nước khá nghiêm trọng và liên tục nôn mửa. Vì thế, họ van nài các binh sĩ để những người giải cứu vào.
"Biệt đội cảm tử" nhận được cuộc gọi và nhanh chóng tới đón gia đình Amar. Cha của ba đứa trẻ từ chối rời thành phố nhưng đồng ý để Amar và Amaliah đi cùng chị.
Tại trung tâm y tế do chính phủ vận hành bên rìa thành phố, Amar và Amaliah lặng im ngồi cạnh người chị gái đang ngủ thiếp đi. "Chúng cháu sẽ chăm sóc lẫn nhau", Amar quả quyết.
Vũ Hoàng