Ngày 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long công bố kết quả giải trình tự gene của "bệnh nhân 2229" - người Nhật tử vong tại Hà Nội, cho thấy người này nhiễm biến thể nCoV thuộc nhóm 20C, lần đầu xuất hiện ở Việt Nam. Liên quan đến ông này còn có hai bệnh nhân tại Hà Nội, hiện chưa xác định được đường lây.
Theo tạp chí khoa học Nextstrain, nCoV được phân chia theo nhiều cách. Một trong số các cách đó quy virus thuộc các nhóm 19A, 19B, 20A, 20B và 20C. Trong mỗi nhóm lại bao gồm nhiều biến thể, với độc lực và tốc độ lây truyền khác nhau.
Nhóm 20C xuất hiện lần đầu tại miền nam nước Mỹ vào cuối tháng 3/2020, sau đó lan đến châu Âu và Nhật Bản. Virus sớm trở nên phổ biến, song sau đó biến mất dần trên toàn cầu. Dữ liệu cho thấy nhóm này được tìm thấy lần cuối cùng tại Nhật vào tháng 5/2020, giờ đây chỉ xuất hiện lẻ tẻ ở những người nhập cảnh, xét nghiệm trong khu cách ly. Trước đó, nhóm 20C tăng sự hiện diện nhanh nhất ở châu Mỹ.
Để hiểu về ảnh hưởng của từng nhóm biến thể nCoV đến đại dịch nói chung, các nhà khoa học xây dựng mô hình dịch tễ dựa trên yếu tố thời tiết và nhân khẩu học. Theo đó, xu hướng phát triển của nhóm biến thể 20C và 20A tương đồng với sự phát triển của Covid-19
Đặc biệt, mức phổ biến của nhóm 20C liên quan chặt chẽ với độ ẩm. Tốc độ phát triển của các biến thể thuộc nhóm này tăng cao trong môi trường có độ ẩm thấp.
Giới chuyên gia có nhiều phương pháp để phân nhóm nCoV. Sáng kiến khoa học toàn cầu GISAID xác định 7 nhóm virus bao gồm: O, S, L, V, G, GH, và GR. Đến tháng 12/2020, tạp chí Nextstrain phân nCoV thành 5 nhóm: 19A, 19B, 20A, 20B và 20C. Trên tạp chí Nature Microbiology, giáo sư Viện Sinh học Tiến hóa Mỹ Andrew Rambaut chia virus thành 5 dòng (strain) chính: A, B, B.1, B.1.1, và B.1.777.
Việc phân nhóm nCoV giúp theo dõi virus đã lây lan ra sao trên thế giới, xâm nhập và tái xâm nhập những vùng nào. Điều này đặc biệt quan trọng, vì các nhóm đặc trưng cho khu vực nhất định có thể cung cấp cái nhìn sâu sắc về mức độ lây lan của bệnh trong cộng đồng.
Thục Linh (Theo Medrxiv, Galaxydx)