Họp trực tuyến Thường trực Chính phủ với Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 sáng 24/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết thông tin trên.
Theo Bộ trưởng Long, chủng virus này lưu hành chủ yếu tại Hàn Quốc, Srilanka, Đài Loan, Ấn Độ. Chủng này tốc độ lây nhiễm không cao, tuy nhiên hiện chưa rõ mức độ tăng độc lực.
Như vậy, đây là biến chủng nCoV thứ 5 ghi nhận tại Việt Nam kể từ giữa năm ngoái đến nay. Bốn biến chủng nCoV được Việt Nam ghi nhận trước đó, xuất phát từ chủng gốc Vũ Hán, gồm Anh, Nam Phi, Rwanda châu Phi và một đột biến thể G (đợt dịch Đà Nẵng tháng 7-8/2020).
Ngoài ra, ngành y tế đã xét nghiệm, phân lập virus 28 mẫu bệnh nhân Hải Dương, 8 mẫu tại Quảng Ninh đều là biến chủng Anh. Tuy nhiên có mẫu bệnh nhân ở thành phố Hải Dương ghi nhận nhiễm biến chủng Nam Phi. Ngành y tế đang tiến hành xét nghiệm gene diện rộng để xem tại sao có chủng này ở thành phố Hải Dương.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhận định hiện nay có tình trạng tăng các biến thể nCoV ở Việt Nam.
"Ngay ở Hải Dương đã ghi nhận hai biến thể, đòi hỏi phải luôn luôn cảnh giác", Phó thủ tướng nói.
Các chuyên gia trên thế giới luôn cảnh báo dù số người mắc Covid-19 đang giảm mạnh nhưng dịch hoàn toàn có thể bùng phát vì có nhiều biến chủng xuất hiện.
"Bệnh nhân 2229", nam, 54 tuổi, quốc tịch Nhật Bản, chuyên gia Công ty TNHH Mitsui Việt Nam. Ông nhập cảnh ngày 17/1 tại sân bay Tân Sơn Nhất, cách ly tập trung tại phường 2, quận Tân Bình, TP HCM, từ 17 đến 31/1, kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với nCoV vào các ngày 17 và 31/1.
Ngày 1/2, ông bay ra Hà Nội và trú tại một khách sạn ở quận Tây Hồ. Từ ngày 1/2 đến 13/2, ông đi lại, làm việc giữa khách sạn và công ty. Khoảng 19h ngày 13/2, ông được phát hiện tử vong trong phòng khách sạn, kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm ngày 14/2 dương tính với nCoV.