Một biện pháp hữu hiệu là chọn hướng xử lý rác để chạy máy phát điện. Sau đó yêu cầu (hoặc bắt buộc) các địa phương, doanh nghiệp mua điện của các nhà máy phát điện từ rác thải để chiếu sáng đường giao thông, các khu vực công cộng, khu công nghiệp vào ban đêm. Như vậy chúng ta đã chi một phần tiền từ ngân sách (từ chi tiêu công của chính quyền) vào việc xử lý rác thải.
Xử lý rác thải và chiếu sáng đường phố đều là nhiệm vụ của chính quyền các địa phương nên đây là một việc không khó thực hiện và đạt cùng lúc cả hai mục tiêu.
Nhà nước chi tiền để nghiên cứu hoặc mua công nghệ, chế tạo mẫu thiết bị xử lý rác. Chương trình nghiên cứu khoa học – công nghệ của nhà nước cần tập trung vào phát triển một hệ thống thiết bị khí hóa, phát điện và thiết bị đi kèm theo hướng điển hình hóa, để có thể chế tạo hàng loạt, với khối lượng lớn và thiết kế điển hình nhà máy xử lý – phát điện để giảm giá thành.
Nhà nước cũng quy hoạch các khu nhà máy xử lý rác đủ rộng, đủ khoảng cách cách ly để có thể sử dụng lâu dài. Quy chế sử dụng khu đất này sẽ được luật hóa để quản lý và khai thác để giảm chi phí xử lý rác cho doanh nghiệp, cũng để xử lý khi doanh nghiệp vi phạm. Khu vực này sẽ là đất công, không được chuyển mục đích sử dụng đất, cho doanh nghiệp thuê với giá 0 đồng để giảm giá thành xử lý rác.
Một nguồn tiền khác có thể làm giảm chi phí xử lý rác có thể đến từ việc bán Chứng chỉ giảm phát thải CO2 theo cơ chế phát triển sạch toàn cầu.
Như vậy, thông qua một "chuỗi" các biện pháp, chúng ta có thể tăng nguồn vốn cho công tác xử lý rác chứ không chỉ bó gọn như hiện nay.
Việc lựa chọn giải pháp tài chính sẽ quyết định việc lựa chọn giải pháp kỹ thuật để xử lý rác. Các phương pháp, kỹ thuật xử lý rác để phát điện, ủ phân, đốt đều đã có sẵn, nhưng vấn đề của chúng ta là việc thiếu định hướng, quá phân tán, mỗi nơi chọn một kiểu.
Nếu biện pháp tài chính được chọn là chính quyền và doanh nghiệp sẽ mua điện để chiếu sáng ban đêm cho đường phố và các khu vực công cộng, thì giải pháp chính của chúng ta sẽ là sản xuất điện từ rác thải, các giải pháp, sản phẩm khác chỉ là phụ hoặc sản phẩm của quá trình sản xuất điện từ rác thải. Chúng ta sẽ tiến tới chỉ cho phép chôn lấp những loại rác nhất định nào đó chứ không phải là chôn lấp đại trà như hiện nay.
Tập trung vào xử lý rác để sản xuất điện sẽ tránh đầu tư dàn trải vào quá nhiều loại công nghệ, nhiều hệ thống thiết bị. Việc xây dựng khu xử lý cũng dễ chuẩn hóa, điển hình hóa hơn.
Hiện nay chúng ta đã có một số nhà máy xử lý rác để phát điện lên lưới, nhưng đòi hỏi chi phí xây dựng lớn, chỉ thích hợp ở những khu vực đông dân, có lượng rác thải lớn. Các nhà máy này cũng cần phân loại rác và làm khô trước khi đốt, nhưng chưa xem xét đặc điểm khí hậu, môi trường của nước ta. Trong các mùa nồm ẩm, kể cả khi có mái che, các loại vật liệu nhanh chóng hút ẩm, ngấm nước và bị vi sinh vật tấn công. Với khối lượng nhỏ và hệ thống bảo quản phù hợp thì có thể giữ nguyên đặc tính, nếu với khối lượng lớn, cách bảo quản hết sức đơn giản, thì nhiều vật liệu bị biến chất nhanh chóng và trở thành chất thải ướt theo đúng nghĩa.
Chúng ta nên tập trung vào hệ thống khí hóa rác để chạy máy phát điện diesel cải tiến. Hệ thống xử lý này thích hợp để sử dụng ở các vùng thị trấn, khu công nghiệp, làng nghề nơi lượng rác thải không quá lớn. Các hệ thống đốt lò hơi sẽ dùng ở nơi có lượng rác lớn, các khu đô thị, khu công nghiệp tập trung.
Trong chạy hệ thống khí hóa rác máy diezel, có thể tập trung vào khí hóa ướt (tạm gọi như vậy), ủ tạo khí mê tan để phù hợp với đặc điểm khí hậu môi trường và chủng loại rác thải ở nhiều địa phương. Phương pháp này hiện dùng rộng rãi nhưng chủ yếu ở quy mô hộ gia đình và trang trại. Một phương pháp khác đang được triển khai là khí hóa rác thải ướt dùng công nghệ plasma, nhưng chưa được áp dụng nhiều.
Hệ thống khí hóa khô, chỉ áp dụng khi có nguồn vật liệu khô như vải vụn, gỗ vụn, mùn cưa, vỏ trấu... dùng ở các làng nghề, khu công nghiệp gia công gỗ, hoặc nhà máy xay sát, chế biến gạo.
Cần lựa chọn mức công suất điện thích hợp để thiết kế, chế tạo một hệ thống thiết bị sinh khí, máy phát điện và phụ kiện kèm theo. Như đã đề cập ở phần trên, chúng ta sẽ điển hình hóa, chế tạo với số lượng lớn để giảm chi phí thiết bị.
Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển nguồn điện mới, đa dạng và bền vững, đặc biệt là các nguồn điện tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tuy nhiên, trong khi nhiều nguồn điện như điện gió, điện mặt trời được đầu tư phát triển như tại TP HCM hiện nay thì lưới điện hiện có lại không có khả năng tiếp nhận, hoặc đang vướng mắc về thủ tục, hoặc chưa thể tiếp nhận vì giá điện tái tạo bị coi là quá cao,
Có thể giá điện mặt trời, điện gió cao hơn so với điện than, nhưng giá nhiệt điện than có thực sự rẻ nếu kèm với nó là các núi tro xỉ và khói bụi thải ra môi trường. Điện gió, điện mặt trời và điện từ rác liệu có thực sự đắt nếu kèm với nó là môi trường sạch hơn, các đống rác ngày càng nhỏ đi và biến mất?
Mặc dù điện từ rác, từ gió và mặt trời có thể không lớn so với thủy điện và nhiệt điện nhưng nếu chúng ta khuyến kích phát triển điện gió, điện mặt trời và điện từ rác, thì các nguồn điện đó phải được tiếp nhận và sử dụng. Rõ ràng việc hòa điện từ các nguồn đó lên lưới đòi hỏi kỹ thuật phức tạp, cho nên cách sử dụng tốt nhất các nguồn này là cấp điện cho các khu vực lân cận nguồn điện bằng cách sử dụng một cách linh hoạt hệ thống điện hiện có. Hệ thống công nghệ 4.0 cho phép chúng ta quản lý và điều khiển mạng điện này tùy thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng.
Ví dụ, với mục đích là chiếu sáng đường phố vào ban đêm, chiếu sáng quảng cáo, một trạm biến áp chiếu sáng hiện nay sẽ được lắp thêm bộ chuyển đổi nguồn điện để có thể kết nối và tiếp nhận điện từ một trạm phát điện rác. Đến một giờ nào đó, trạm sẽ được cắt khỏi lưới để nhận điện từ trạm phát điện rác, và cắt khỏi máy phát vào giờ khác để nối vào lưới, tùy thuộc vào khả năng phát điện của trạm phát điện rác. Tương tự vậy, một trạm biến áp chiếu sáng khác sẽ lấy điện từ một trạm trữ điện mặt trời trong một khoảng thời gian nhất định, tùy thuộc trữ lượng điện của trạm.
Chúng ta cũng cần xây dựng hệ thống phát điện, trữ điện để tận dụng được tất cả các nguồn điện và để sử dụng chúng đúng lúc, đúng chỗ, có hiệu quả. Australia đã lập được nhà máy trữ điện có công suất đến 100 MW, có thể cấp điện cho 30.000 hộ gia đình sử dụng khi thiếu điện.
Việc phát triển nguồn điện, sử dụng linh hoạt, hợp lý hệ thống điện như trên không thuần túy về kỹ thuật, mà chủ yếu là tổ chức và quản lý hệ thống điện và quản lý kinh tế - xã hội.
Trong cuộc cách mạng 4.0, việc xử lý rác thải cũng phải kết nối với các ngành công nghiệp, với hệ thống năng lượng, với công tác bảo vệ môi trường và cuộc sống con người. Cách mạng công nghiệp 4.0 mở ra cho chúng ta cơ hội để phát triển bền vững với một "hệ sinh thái" công nghiệp mới. Trong hệ sinh thái đó, phế thải của quá trình sản xuất này là nguyên liệu đầu vào của một quá trình khác, để khi quay trở lại với tự nhiên, các nguyên vật liệu đã được sử dụng đến mức tối đa, được chuyển hóa để trở thành có ích hoặc chí ít là vô hại đối với thiên nhiên.
Theo hướng đã nêu trong phần mở đầu, trong chuỗi liên kết này, rác thải không phải là đồ bỏ đi mà là nguyên liệu của sản xuất điện. Nguồn điện sản xuất ra sẽ cung cấp cho chính quyền để chiếu sáng đô thị, đường giao thông. Trong chuỗi này, hệ thống điện không phải là hệ thống kín của riêng ngành điện, mà là một hệ thống mở, được vận hành một cách linh hoạt để tiếp nhận và sử dụng bất kỳ một nguồn điện nào. Trong hệ thống này, các nhà khoa học, nhà chế tạo sẽ nghiên cứu, chế tạo đồng bộ hệ thống thiết bị xử lý rác và phát điện.
Trong kế hoạch phát triển kinh tế của chúng ta, kế hoạch phát triển ngành xử lý rác cũng phải là chỉ tiêu pháp lệnh của đất nước và tất cả các địa phương.
Cuối cùng, nếu trách nhiệm dọn sạch rác tại mỗi địa phương cũng là "của một vài đồng chí " như thủ tướng chính phủ đã có lần nhắc nhở thì có lẽ vấn đề rác thải cũng không trở nên khó giải quyết như thời gian vừa qua.
Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại cách nhìn mới, phương pháp mới và công cụ mới để phát triển đất nước cũng như xử lý các vấn đề cũ, đang tồn đọng bấy lâu nay, trong đó có vấn đề rác thải.
Tiến lên phía trước nhưng không thể để rác thải đọng lại sau lưng, bởi vì chúng ta không thể coi là giầu có nếu môi trường của chúng ta bị ô nhiễm vì rác thải. Chúng ta cũng khó có thể ngẩng cao đầu nếu dưới chân chúng ta là rác thải tồn đọng, nếu những dòng sông vẫn mang rác thải ra đại dương và các bãi biển vẫn không thể làm sạch.
>> Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Nguyễn Tiến Hiệp