Những ngày này, hơn 1 km bờ biển xã Thạch Kim chất đống rác ở dưới chân kè chắn sóng. Ngoài cành cây, gỗ mục, các loại chai nhựa, túi nylon, bèo tây cũng theo sóng dạt vào dày đặc. Cứ cách vài chục mét, rác cuộn lại thành đống, cao 30-40 cm.
Phía dưới bờ biển, hàng chục người dân địa phương xúm lại thành từng nhóm, mang theo bì tải nhặt vỏ nhựa đưa đi bán đồng nát. Một số phụ nữ, đàn ông trung niên mang dao ra chặt những cành cây, khúc gỗ mục đem về làm củi nấu.
"Những năm trước, sau mưa lớn vẫn có rác, củi và bèo tây dạt vào, song năm nay xảy ra hai trận lũ lụt liên tiếp nên số lượng rác đổ về lớn hơn gấp bội. Rất mong chính quyền sớm xử lý để tránh ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên", bà Lê Thị Bé, trú thôn Xuân Phượng, xã Thạch Kim, nói.
Theo ông Trần Đình Hưng, Chủ tịch UBND xã Thạch Kim, rác dạt vào bờ biển trên địa bàn chủ yếu là bèo tây, chất thải hữu cơ nên sẽ dễ xử lý. "Vài ngày tới, khi trời nắng chính quyền sẽ cử người đi thu gom, đào hố chôn lấp", ông Hưng cho hay.
Trong tháng 10, Hà Tĩnh trải qua hai đợt lũ lụt. Nhiều huyện như Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh, Hương Khê, Hương Sơn, Nghi Xuân, thị xã Hồng Lĩnh, thị xã Kỳ Anh, thành phố Hà Tĩnh ngập 0,5 đến 3 m, nhiều xã bị cô lập, nước tràn vào hàng nghìn nhà dân.