Nhật Bản - Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nằm ở phía đông Trung Quốc và tây nam của tỉnh cực nam Nhật Bản Okinawa. Nhật Bản - Hàn Quốc cũng có tranh chấp về lãnh thổ trên quần đảo Dokdo/Takeshima, nằm ở vùng biển giữa hai nước. Các đảo này đang là điểm nóng tại khu vực Đông Bắc Á với động thái cứng rắn của các bên.
Nhật Bản - Trung Quốc
|
Chuỗi đảo tranh chấp Sensaku/Điếu Ngư. Ảnh: AP |
Quần đảo mà Nhật Bản gọi là Senkaku còn Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, nằm trên biển Hoa Đông, trong một ngư trường đánh cá lớn và được cho là có trữ lượng khoáng sản có giá trị. Tranh chấp bắt đầu nóng lại từ khoảng tháng 4, khi thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara công khai ý định mua lại chuỗi đảo không người này từ chủ sở hữu tư nhân là một gia đình người Nhật.
Ông Ishihara, vốn nổi tiếng là người mạnh miệng chỉ trích Bắc Kinh và theo chủ nghĩa dân tộc, sau đó cho biết đã quyên góp được 1,3 tỷ yên (16,3 triệu USD) tiền ủng hộ của người dân cho kế hoạch mua đảo và các chủ sở hữu trong gia tộc kể trên đều đồng ý bán cho thị trưởng Tokyo. Sau thủ đô Tokyo, chính phủ Nhật Bản cũng công bố kế hoạch mua đứt chuỗi đảo.
Kế hoạch mua đảo của Nhật khiến Trung Quốc hết sức tức giận. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lưu Vi Dân tuyên bố quần đảo Điếu Ngư thuộc chủ quyền của Trung Quốc nên "không thể được bất cứ ai đem bán hay mua". Chính phủ nước này sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp cần thiết để "kiên quyết bảo vệ chủ quyền đối với chuỗi đảo Điếu Ngư cùng các đảo nhỏ kế cận", ông Lưu nói.
Đến tháng 7, Bắc Kinh điều các tàu tuần tra là Ngư Chính 35001, Ngư Chính 204 và Ngư Chính 202 tới gần đảo trung tâm Senkaku/Điếu Ngư khiến Nhật Bản phải triệu tập đại sứ Trung Quốc tại Tokyo và triệu hồi đại sứ Nhật tại Trung Quốc về nước trong một ngày để phản đối. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Kenichiro Sasae gọi hành động của Trung Quốc là "cực kỳ nghiêm trọng".
Căng thẳng tiếp tục gia tăng trong tháng này khi một nhóm người Hong Kong khởi hành tới chuỗi đảo tranh chấp bằng tàu cá mang cờ Trung Quốc. Mục đích chuyến đi là để phản đối kế hoạch thăm đảo của một nhóm nghị sĩ Nhật và để cắm cờ Trung Quốc trên đảo. Đội tàu tuần duyên Nhật Bản tuyên bố sẽ ngăn nhóm những nhà hoạt động này và ngày 15/8 đã bắt giữ 14 thành viên của nhóm tiếp cận đảo Uotsurijima, một trong các đảo nhỏ thuộc Senkaku/Điếu Ngư.
![trung-1351834897_500x0.jpg](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2012/08/17/trung-1351834897.jpg?w=500&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=6LQs_ynCUNZUXCVTirNnaw)
Chỉ vài giờ sau khi vụ bắt giữ diễn ra, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Doanh triệu đại sứ Nhật đến để phản đối. Bà cũng gọi điện cho người đồng cấp Nhật Bản để yêu cầu Nhật "đảm bảo an toàn cho các công dân Trung Quốc và trả tự do cho họ ngay lập tức và vô điều kiện".
Trước những căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Mỹ lên tiếng kêu gọi Trung Quốc và Nhật Bản kiềm chế để giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp hòa bình. Washington khẳng định sẽ không đứng về bên nào và hai nước cần sớm giải quyết vụ việc này.
Ngoài những diễn biến trên, quan hệ Nhật - Trung còn không ít lần căng thẳng bởi những cuộc tập trận của Trung Quốc gần nhóm đảo, cuộc thi câu cá của các nhà hoạt động và kế hoạch tới thăm đảo của các chính trị gia Nhật Bản. Hồi năm 2010, các hòn đảo không người cũng từng là tâm điểm căng thẳng giữa hai nước khi tàu tuần duyên Nhật bắt giữ một thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc sau va chạm.
Nhật Bản - Hàn Quốc
![]() |
Khung cảnh ở đảo tranh chấp Dokdo/Takeshima. Ảnh: Dokdotakeshima.com |
Một điểm nóng khác tại khu vực Đông Bắc Á trong những ngày qua là quần đảo mà Hàn Quốc gọi là Dokdo còn Nhật Bản gọi là Takeshima trên biển Nhật Bản. Đây là nơi cả Seoul và Tokyo tuyên bố chủ quyền từ nhiều năm nay và Hàn Quốc có triển khai một lực lượng bảo vệ bờ biển nhỏ trên đảo.
Ngày 10/8, Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thực hiện chuyến thăm đến đây. Ông Lee là tổng thống Hàn Quốc đầu tiên đặt chân đến đảo Dokdo/ Takeshima từ khi tranh chấp giữa hai nước xung quanh nhóm đảo bắt đầu cách đây vài thập kỷ.
Nhật Bản sau đó đã triệu đại sứ tại Seoul về nước nhằm phản đối chuyến đi của Tổng thống Hàn Quốc tới quần đảo. Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba nói chuỗi đảo này là "lãnh thổ của Nhật, xét cả về mặt lịch sử và luật quốc tế" và đặt câu hỏi về việc Tổng thống Lee đi thăm đảo vào thời điểm này. Thủ tướng Nhật Noda cho rằng đây là hành động “vô cùng đáng trách”.
Sau chuyến thăm của tổng thống Hàn, Nhật Bản dự kiến đưa Seoul ra tòa án quốc tế với mong muốn nhằm giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, tuy nhiên, giới chức Hàn Quốc khẳng định nước này sẽ không chấp thuận đề nghị trên.
Để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo, ngày 13/8, các nhà hoạt động Hàn Quốc cùng với các sinh viên và ca sĩ nổi tiếng tham gia bơi tiếp sức 230 km từ một cảng phía đông tới nhóm đảo Dokdo/Takeshima. Các cầu thủ bóng đá tham dự Olympic London cũng giơ biểu ngữ "Dokdo là của Hàn Quốc" tại đấu trường Thế vận hội, khiến huy chương đồng của đội bóng bị xem xét.
Mới đây, chính phủ Hàn Quốc công bố kế hoạch tập trận hỗn hợp Thủy quân lục chiến, Lục quân, Không quân và Cảnh sát biển để "tấn công các tàu xâm phạm trái phép vào lãnh thổ của chúng tôi, Dokdo" trong tháng sau. Cuộc tập trận có sự tham gia của nhiều tàu chiến và máy bay quân sự thể hiện quyết tâm "bảo vệ Dokdo" của Hàn Quốc.
Bình luận về chuyến thăm đảo của ông Lee và động thái giữa hai nước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 10/8 nói "đây là cuộc tranh chấp lâu dài mà Nhật Bản và Hàn Quốc đã xử lý một cách thận trọng, nhưng tranh chấp này sẽ còn tiếp tục". Mỹ khẳng định giữ thái độ trung lập trong vấn đề này và hoan nghênh bất kỳ kết quả đàm phán nào giữa Hàn Quốc và Nhật Bản.
![]() |
Bản đồ mô tả vị trí các đảo tranh chấp giữa các nước ở Đông Bắc Á. Từ trái sang: Senkaku/Điếu Ngư, Dokdo/Takeshima, Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc. Đồ họa: Debito.org |
Ngoài căng thẳng Nhật-Trung, Nhật-Hàn, Nga-Nhật cũng có tranh chấp tại quần đảo Kurils/Vùng lãnh thổ phương Bắc trên biển Nhật Bản. Trong thời gian gần đây, khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng chứng kiến những lần "dậy sóng" vì căng thẳng trên Biển Đông giữa Trung Quốc với một số nước Đông Nam Á gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei.
Những tuyên bố chồng lấn và bất đồng giữa các nước nêu trên càng thể thiện rõ hơn bao giờ hết tầm quan trọng của Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Phát biểu tại hội nghị kỷ niệm 30 năm ra đời Công ước, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh UNCLOS là một giải pháp "công bằng và hiệu quả" cho việc sử dụng nguồn tài nguyên của đại dương, hiện thực hóa một trật tự kinh tế công bằng, hợp lý, và giải quyết hiệu quả "tình trạng bất ổn" của các vùng biển trên thế giới.
Vũ Hà