Theo bác sĩ Paul D’Alfonso, Phòng khám Maple Healthcare, bàn chân là nơi chịu lực của cả cơ thể, nếu không chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiều chứng bệnh, thường gặp nhất là đau gan bàn chân. Đây là tình trạng lòng bàn chân xuất hiện các cơn đau kéo dài âm ỉ, nhức nhối, khó chịu, ảnh hưởng không nhỏ đến việc di chuyển cũng như sinh hoạt hàng ngày. Không chỉ đau khi di chuyển, cơn đau có thể xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi.
Đau gan bàn chân có thể do nhiều nguyên nhân từ chủ quan đến khách quan. Về cơ bản, các cơn đau thường xuất phát từ các bệnh về cơ xương khớp và thần kinh như gout, suy tĩnh mạch chi dưới, gai gót chân, thần kinh tọa... Đau cũng có thể do chứng bàn chân bẹt bẩm sinh làm gia tăng áp lực lên lòng bàn chân trong thời gian dài; thường xuyên mang giày dép cao gót, đế cứng, quá chật, hoặc phải đi, đứng quá lâu do đặc thù công việc khiến chân bị phỏng, rộp và hệ thống xương khớp bàn chân bị ảnh hưởng.
Các chấn thương, va chạm trong quá trình di chuyển, vận động mạnh như chạy nhảy, chơi thể thao, làm việc nặng nhọc quá sức; chứng thừa cân, béo phì khiến bàn chân phải chịu áp lực lớn từ trọng lượng cơ thể... cũng dễ làm xuất hiện tình trạng đau gan bàn chân.
Một số biến chứng đau gan bàn chân
Viêm cân gan bàn chân
Cân gan bàn chân là một dải gân cơ được cấu tạo từ các sợi collagen, bám từ chỏm xương bàn đến xương gót chân. Dải gân cơ này có tác dụng làm giảm áp lực cho bàn chân, bảo vệ các khớp, giúp việc đi lại dễ dàng hơn.
Viêm cân gan bàn chân là tình trạng cân gan bàn chân bị viêm do tổn thương. Bệnh gây ra các cơn đau ở mặt dưới xương gót chân, nơi cân gan chân bám vào. Cơn đau khiến người bệnh gặp nhiều khó khăn trong di chuyển, ảnh hưởng cuộc sống sinh hoạt, công việc. Viêm cân gan bàn chân cũng là bệnh lý thường gặp nhất khi bị đau gan bàn chân.
Khi bị viêm cân gan bàn chân, người bệnh sẽ gặp những cơn đau điển hình dưới lòng bàn chân, từ nhẹ đến nặng. Người bệnh thường có cảm giác như có lưỡi dao nhọn hay vật nhọn đang găm dưới chân. Toàn bộ lòng bàn chân đều đau nhói, căng nhức, nhất là khi đi trên nền gạch cứng. Cơn đau xuất hiện nhiều nhất vào lúc sáng sớm mới ngủ dậy, lúc này bàn chân có cảm giác co cứng, rất khó để bước đi và sẽ giảm dần trong ngày. Khi đứng quá lâu một chỗ hoặc di chuyển nhiều thì cơn đau càng tăng nặng, khó chịu.
Viêm cân gan bàn chân có thể chủ động phòng ngừa bằng cách thay đổi thói quen, sinh hoạt hàng ngày. Chẳng hạn, dùng miếng lót chỉnh hình, đi giày dép đế mềm, không đứng một chỗ quá lâu, khởi động kỹ trước khi tập luyện, không vận động quá mạnh tránh gây chấn thương, thường xuyên massage, thư giãn lòng bàn chân, ngâm chân với nước ấm trước khi đi ngủ...
Hội chứng ống cổ chân
Đây là tình trạng rối loạn thần kinh chày sau của ống cổ chân. Dây thần kinh này khi bị chèn ép liên tục sẽ dẫn đến tổn thương, từ đó gây ra các cảm giác đau đớn, khó chịu ở vùng gan bàn chân, như nóng bỏng, bó chặt, tê bì... Bệnh thường gặp ở những người bị chứng béo phì.
Đau thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa là cơn đau tỏa ra dọc theo dây thần kinh tọa, khiến người bệnh thường có cảm giác đau từ phần trên thắt lưng chạy dọc xuống dưới lòng bàn chân. Thông thường, đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng một bên của cơ thể, vì vậy cơn đau chỉ xuất hiện một bên chân.
Suy tĩnh mạch chân
Suy tĩnh mạch chân xảy ra do thường xuyên phải chịu áp lực lớn. Ngoài các cơn đau ở gan bàn chân thì suy tĩnh mạch chân còn có các cơn đau dọc cẳng chân, kèm theo đó là triệu chứng giãn tĩnh mạch có thể nhìn thấy được, đồng thời gây tình trạng phù nề dưới chân.
Điều trị
Theo bác sĩ Paul, khi có những dấu hiệu đầu tiên của đau gan bàn chân, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để kiểm tra, thăm khám. Điều trị càng sớm càng tăng hiệu quả chữa trị và khả năng phục hồi.
Bác sĩ sẽ kiểm tra, thăm khám bằng cách quan sát, sờ nắn bên ngoài vùng bị đau, sau đó có thể sử dụng thêm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như siêu âm, chụp X-quang... để đưa phác đồ điều trị phù hợp.
Cách điều trị đau gan bàn chân không dùng thuốc, không phẫu thuật mang lại hiệu quả cao là áp dụng kỹ thuật ART. Kỹ thuật này dùng tay tác động lên các cơ ở lòng bàn chân nhằm kéo giãn và thả lỏng các cơ, từ đó giúp giải quyết cơn đau một cách nhanh chóng và hiệu quả.
Bên cạnh đó, các bác sĩ còn quan sát chuyển động của vùng hông, đầu gối và mắt cá chân khi người bệnh di chuyển để xác định chính xác nguyên nhân, bởi đôi chân đau có thể xuất phát từ các bộ phận khác. Từ đó, bác sĩ tác động sâu vào gốc rễ để loại bỏ hoàn toàn căn nguyên gây bệnh.
Bài tập hỗ trợ giảm đau gan bàn chân
Bác sĩ Paul cho biết khi bị đau gan bàn chân, người bệnh có thể áp dụng các bài tập hỗ trợ điều trị tại nhà. Các bài tập này không chỉ có tác dụng giảm đau mà còn giúp cải thiện sức mạnh của cơ, mang lại sự linh hoạt cho các cơ và dây chằng. Dưới đây là 3 bài tập khá đơn giản và hiệu quả mà người bệnh có thể tham khảo.
Bài tập 1: Kéo giãn bắp chân
Đứng thẳng quay mặt vào tường. Chống thẳng hai tay áp vào tường. Chân bị đau duỗi thẳng ra phía sau, bàn chân chạm sàn. Chân còn lại bước nhẹ lên phía trước, khuỵu đầu gối. Giữ vững hai chân sao cho chân sau có cảm giác cơ từ gót chân lên bắp chân được kéo giãn. Giữ tư thế này trong khoảng 10 giây. Lặp lại động tác 2-3 lần.
Bài tập 2: Cán giãn cơ lòng bàn chân
Đặt một vật tròn nhỏ không bị lún dưới lòng bàn chân. Người ngồi trên ghế cao, sau đó lăn chân qua lại để cán giãn cơ trong vòng hai phút. Có thể sử dụng con lăn chuyên dụng ở các cửa hàng thể thao. Nếu không có thể sử dụng bóng tennis hoặc bóng chơi golf đều được.
Bài tập 3: Kéo giãn cơ lòng bàn chân
Ngồi lên ghế rồi đặt bàn chân bị đau lên chân kia. Một tay nắm giữ bàn chân, tay còn lại kéo các ngón chân ngược về phía cẳng chân để kéo giãn cơ lòng bàn chân. Giữ tư thế này trong 10 giây, lặp lại 2-3 lần.
Lê Phương