Biến chủng Delta, hay còn có tên B.1.617.2, đã lây lan tại hơn 60 quốc gia trên thế giới trong 6 tháng qua sau khi xuất hiện lần đầu ở Ấn Độ. Nó đã gây ra làn sóng đại dịch thứ hai đầy chết chóc ở quốc gia Nam Á này và giờ đây khiến nhiều nước phải siết hạn chế đi lại, hoặc xem xét lại kế hoạch tái mở cửa như Anh.
Tại Anh và Scotland, bằng chứng ban đầu cho thấy biến chủng Delta khiến bệnh nhân gặp nguy cơ nhập viện cao hơn. Cùng với việc biến chủng còn có tỷ lệ lây nhiễm cao và làm suy yếu hiệu quả của vaccine Covid-19, việc hiểu rõ những biến chứng mà nó gây ra với bệnh nhân trở nên đặc biệt quan trọng.
"Chúng ta cần thêm nghiên cứu khoa học để phân tích xem liệu những biểu hiện lâm sàng mới của bệnh nhân Covid-19 có liên quan đến biến chủng Delta hay không", Abdul Ghafur, bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Apollo ở thành phố Chennai, Ấn Độ, cho biết.
Theo quan sát của Ghafur, ngày càng nhiều bệnh nhân Covid-19 bị tiêu chảy so với làn sóng đại dịch đầu tiên. "Năm ngoái, chúng tôi tưởng rằng đã hiểu rõ về kẻ thù mới, nhưng tình hình lại thay đổi. Loại virus này đã trở nên vô cùng khó lường", ông đánh giá.
Đau dạ dày dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, chán ăn, suy giảm thính lực và đau khớp là một vài triệu chứng mà bệnh nhân Covid-19 đang phải trải qua, theo các bác sĩ trên khắp Ấn Độ. Trong khi đó, hai biến chủng Beta và Gamma, được phát hiện lần đầu tiên ở Nam Phi và Brazil, ít biểu hiện hoặc không cho thấy bằng chứng nào về việc gây ra các dấu hiệu lâm sàng bất thường, theo nghiên cứu tháng trước của Đại học New South Wales, Australia.
Ganesh Manudhane, bác sĩ tim mạch ở thành phố Mumbai, cho biết một số bệnh nhân còn phát triển vi huyết khối, nghiêm trọng đến mức tiêu diệt phần mô bị ảnh hưởng và dẫn đến tình trạng hoại tử.
Manudhane đã điều trị cho 8 bệnh nhân gặp biến chứng về huyết khối tại Bệnh viện Seven Hills trong hai tháng qua, bao gồm hai người phải cắt cụt ngón tay hoặc một bàn chân. "Tôi từng chứng kiến 3-4 trường hợp trong cả năm ngoái, giờ đây là một bệnh nhân mỗi tuần", bác sĩ cho hay.
Ấn Độ đã báo cáo khoảng 18,6 triệu ca nhiễm nCoV trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn con số 10,3 triệu trong cả năm ngoái. Theo nghiên cứu gần đây của một ủy ban thuộc chính phủ Ấn Độ, biến chủng Delta là nguyên nhân chính đằng sau làn sóng đại dịch thứ hai chết chóc hơn, đồng thời có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn 50% so với chủng Alpha được phát hiện lần đầu tiên ở Anh.
Việc số ca nhiễm tăng vọt có thể dẫn đến tăng tần suất xuất hiện bệnh nhân Covid-19 mắc biến chứng hiếm gặp. Mặc dù vậy, Manudhane vẫn bối rối trước những huyết khối quan sát được ở những bệnh nhân thuộc nhiều nhóm tuổi, không có tiền sử về các vấn đề liên quan đến đông máu.
"Chúng tôi cho rằng điều này có thể do biến chủng nCoV mới", Manudhane nêu ý kiến. Bác sĩ này đang thu thập dữ liệu để nghiên cứu lý do một số bệnh nhân phát triển huyết khối, trong khi số còn lại thì không.
Các bác sĩ còn đang ghi nhận những trường hợp huyết khối hình thành trong các mạch cung cấp máu cho ruột, khiến bệnh nhân bị đau dạ dày và cũng là triệu chứng duy nhất của họ.
Hetal Marfatia, bác sĩ tai mũi họng tại Bệnh viện King Edward Memorial ở Mumbai, cho biết một số bệnh nhân Covid-19 còn bị mất thính giác, sưng tấy quanh cổ và viêm amidan nghiêm trọng. "Mỗi bệnh nhân đều đang gặp phải những triệu chứng khác nhau", Marfatia nói.
Chetan Mundada, bác sĩ nhi khoa thuộc chuỗi bệnh viện Yashoda ở thành phố Hyderabad, đánh giá đặc điểm đáng báo động nhất của đợt bùng phát hiện nay ở Ấn Độ là tốc độ lây lan nhanh chóng, bao gồm cả trẻ em.
Bác sĩ Ghafur cho biết ông cũng đang chứng kiến những gia đình mà toàn bộ thành viên đều có triệu chứng Covid-19, phản ánh mức độ lây nhiễm gia tăng trong hộ gia đình do biến chủng Delta.
Các ca nhiễm mucormycosis, một loại nấm đen chết người hiếm gặp, cũng tăng vọt tại Ấn Độ. Hơn 8.800 bệnh nhân Covid-19 đã mắc phải căn bệnh này tính đến ngày 22/5, buộc giới chức y tế địa phương phải tuyên bố đây là một dịch bệnh.
Ngay cả khi số ca nhiễm nCoV mới tại Ấn Độ bắt đầu có chiều hướng giảm, biến chủng Delta vẫn hoành hành khắp thế giới, bao gồm cả những nơi từng chống dịch hiệu quả như Đài Loan, Singapore và Việt Nam, thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19.
Karl Lauterbach, chính trị gia kiêm nhà khoa học tại Đức, cho rằng biến chủng Delta cũng có thể sẽ trở nên phổ biến hơn ở nước này trong những tháng tới. "Viễn cảnh đó dường như không thể tránh khỏi. Yếu tố quyết định là một tỷ lệ tiêm chủng thật cao, từ đó giúp giảm tỷ lệ tử vong", ông viết trên Twitter.
Tuy nhiên, trước những bằng chứng cho thấy biến chủng Delta có thể "né" vaccine Covid-19, các công ty dược phẩm đang chịu áp lực phải cải tiến vaccine hiện có, hoặc phát triển những loại mới.
"Vaccine mới phải được chuẩn bị trong tâm thế cảnh giác trước những biến chủng virus. Chúng ta không thể phủ đầu virus, nhưng ít nhất có thể bắt kịp chúng", Ghafur nói.
Ánh Ngọc (Theo Bloomberg)