Người phụ nữ 60 tuổi được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM cấp cứu mới đây do bị nhồi máu cơ tim cấp. Bà bị bệnh tiểu đường 5 năm, đã được điều trị đưa chỉ số đường huyết về mức ổn định nên chủ quan không theo dõi bệnh thường xuyên.
Cuối tháng 4, bà đang dọn nhà đột nhiên lên cơn mệt, khó thở, đau ngực trái. Bác sĩ chẩn đoán bà bị nhồi máu cơ tim cấp, phải can thiệp mạch vành cấp cứu. Hiện sức khỏe bà tạm ổn định, vẫn nằm viện theo dõi.
Bác sĩ Nguyễn Minh Nhựt, Khoa Nội Tim mạch Bệnh viện Đại học Y Dược, cho biết biến chứng tim mạch phổ biến và nguy hiểm nhất trong số các biến chứng của bệnh tiểu đường, tỷ lệ tử vong gần 70%.
Nguyên nhân dẫn đến biến chứng tim mạch là do bệnh nhân có đường huyết cao, lớn tuổi, hút thuốc lá, béo phì, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp... Biểu hiện diễn ra âm thầm trong giai đoạn đầu khiến người bệnh chủ quan, khó khăn cho việc điều trị, gia tăng tỷ lệ tử vong.
"Biến chứng có thể được phát hiện sớm thông qua thăm khám định kỳ, xét nghiệm máu, đo điện tim, siêu âm tim. Phát hiện sớm giúp việc điều trị hiệu quả hơn", bác sĩ Nhựt nói.
Theo bác sĩ Trần Minh Triết, Khoa Nội tổng hợp Bệnh viện Đại học Y Dược, bệnh nhân tiểu đường cần được điều trị sớm, theo dõi và duy trì điều trị suốt đời. Người bệnh cũng cần tái khám định kỳ, lối sống lành mạnh, tuân thủ điều trị, tầm soát sớm biến chứng.
Việt Nam có hơn 3,5 triệu người đang chung sống với bệnh đái tháo đường, mỗi ngày ít nhất 80 người tử vong do các biến chứng. Đái tháo đường là bệnh gây tử vong đứng thứ ba trong số các bệnh không lây nhiễm tại Việt Nam, sau tim mạch và ung thư.
Sáng 5/5, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM kiểm tra đường huyết miễn phí và giải đáp thắc mắc về biến chứng tim mạch ở người bị tiểu đường. Đăng ký tham dự qua điện thoại (028) 3952 5449. |