Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bích Đào Phó Giám đốc Phụ trách Nội tiết - Chuyển hóa và Dinh dưỡng, Khoa Tim mạch Chuyển hóa - Bệnh viện Tim Tâm Đức, đái tháo đường hay còn thường được gọi là bệnh tiểu đường, là một bệnh nội tiết chuyển hóa đặc trưng bởi tình trạng tăng glucose máu (đường máu) mạn tính, kèm theo rối loạn chuyển hóa protid, lipid và khoáng chất... Đây là bệnh tiến triển mạn tính.
Tình trạng glucose máu tăng cao, không được kiểm soát tốt theo mục tiêu cá nhân hóa, sẽ tác động trên mạch máu và ngoài mạch máu, dẫn đến rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan, đặc biệt là tim mạch.
Nguy cơ tử vong tim mạch tương đối ở người bị đái tháo đường trưởng thành tăng gấp 1-3 lần ở nam giới và 2-5 lần ở nữ giới so với người không bị đái tháo đường. Theo đó, bệnh lý tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở người có đái tháo đường. Nguy cơ tim mạch cao ở người đái tháo đường còn có sự góp phần của các yếu tố khác như di truyền, bệnh đi kèm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu...
Các nghiên cứu cho thấy có mối liên quan chặt chẽ giữa đái tháo đường và bệnh lý tim mạch. Cơ chế quan trọng nhất là glucose máu tăng cao sẽ gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu.
Khi chức năng nội mạc bị rối loạn, nó sẽ làm cho các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc. Từ đó sẽ hình thành mảng vữa xơ động mạch, hoặc mảng vữa xơ đã hình thành thì tiến triển rất nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch, gây nên các biểu hiện lâm sàng của bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính ở cơ quan tổ chức.
Ngoài ra, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính các tế bào tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch làm tắc mạch mạn tính hoặc cấp tính.
Theo PGS Đào, biểu hiện của biến chứng tim mạch của bệnh nhân đái tháo đường rất đa dạng. Bao gồm bệnh mạch vành, bệnh lý mạch máu não, bệnh lý mạch máu ngoại biên, bệnh cơ tim do đái tháo đường, suy tim...
Khi có tổn thương động mạch vành tim, thiếu máu do tắc hẹp sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử. Tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến cơn thiếu máu não thoáng qua, tai biến mạch máu não. Tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cách hồi, hoại tử đầu chi...).
Nhiều người bệnh chỉ khi bị các biến chứng ở tim, mắt, não, thận, thần kinh thì mới biết đã bị đái tháo đường. Và ngược lại, nhiều người bị đái tháo đường đã lâu ngày, nhưng do không đi khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế nên không phát hiện được các biến chứng nêu trên.
Chiến lược phòng bệnh hơn chữa bệnh sẽ bao gồm các mức độ cho các nhóm thành viên: người khỏe mạnh chưa có bệnh, người khỏe mạnh chưa có bệnh nhưng thuộc nhóm có nguy cơ cao, người được phát hiện bệnh sớm qua tầm soát, người đã bị đái tháo đường lâu năm, người đã có biến chứng...
Đối với người có đái tháo đường, phải quản lý toàn diện là nguyên tắc chung. Quản lý đường huyết theo mục tiêu cá nhân hóa là then chốt nhưng duy trì ổn định kết quả lâu dài trong thực tế là khó khăn.
Việc kiểm soát tốt đường huyết càng sớm càng tốt, bảo vệ cơ quan đích như tim, thận, giảm MACE, giảm tỉ lệ tử vong tim mạch, tử vong chung là yêu cầu điều trị hiện nay của các hiệp hội đái tháo đường trên thế giới và Việt Nam. Do đó, giải pháp mới trong các hướng dẫn là kiểm soát đường huyết - kiểm soát cân nặng song song bảo vệ tim - thận. Đối với người cao tuổi, lựa chọn giải pháp, loại thuốc khi tiếp cận điều trị phải cá nhân hóa và theo tiêu chí hiệu quả - an toàn - đơn giản - chi phí hợp lý.
Đồng thời, để phát hiện sớm biến chứng, người bệnh cần thăm khám định kỳ, thực hiện các xét nghiệm cần thiết. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần nắm rõ các triệu chứng, đặc biệt là những biểu hiện sớm của bệnh, để được điều trị kịp thời.
Mỹ Ý