Giữa tháng 12/2021, các nhà khoa học tại Viện Bệnh viện Đại học truyền nhiễm Địa Trung Hải đã ghi nhận các ca nhiễm biến chủng nCoV mới tại thành phố Marseille. Biến chủng thuộc dòng B.1.640.2 và có tên tạm gọi là "IHU". Ngày 5/1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết biến chủng không gây đe dọa lớn.
Các nhà khoa học vẫn nỗ lực làm việc để xác định độ nguy hiểm của nó và việc liệu nó có trở thành biến chủng đáng quan tâm như Delta và Omicron hay không.
Biến chủng IHU đến từ đâu?
Ca nhiễm IHU đầu tiên là một du khách vừa di chuyển về Pháp từ Cameroon, miền Tây châu Phi, theo báo cáo công bố trên medRxiv. Ngoài 12 F0, các chuyên gia chưa ghi nhận bất cứ trường hợp dương tính IHU nào khác trên cơ sở dữ liệu toàn cầu GISAID. Biến chủng này chưa xuất hiện ở các quốc gia ngoài Pháp.
Giáo sư di truyền Francis Balloux của Đại học College London cho biết IHU cũng không phải nguyên nhân khiến số ca mắc mới và nhập viện của Pháp gia tăng trong thời gian gần đây.
Đặc điểm của IHU
Các chuyên gia cho biết biến chủng mới mang 46 đột biến, có thể làm giảm hiệu quả các loại vaccine Covid-19 hiện có. Trong phân tích mới nhất, họ chỉ ra rằng người đầu tiên nhiễm IHU đã được tiêm chủng đầy đủ.
Ở một nghiên cứu chưa bình duyệt, các nhà khoa học phát hiện protein gai của biến chủng mới mang 14 axit amin thay thế, bao gồm N501Y và E484K, từng xuất hiện ở chủng Alpha, Beta và Omicron. N501Y có thể khiến virus lây lan nhanh hơn, trong khi E484K làm giảm hiệu quả của vaccine.
Thực tế, phần lớn vaccine trên thế giới nhắm vào protein gai của nCoV. Lượng đột biến protein gai càng lớn, virus càng có lợi thế lây nhiễm hoặc trốn tránh miễn dịch.
"Dữ liệu mới là minh chứng cho thấy chúng ta không thể đoán trước về sự xuất hiện của các biến chủng nCoV", nghiên cứu mới cho biết.
Ý kiến từ các nhà khoa học
Các chuyên gia nỗ lực làm việc để xác định IHU có tiềm năng trở thành biến chủng đáng lo ngại hay không. Eric Feigl-Ding, thành viên Liên đoàn các Nhà khoa học Mỹ, nhận định biến chủng mới xuất hiện không có nghĩa nó sẽ nguy hiểm hơn các phiên bản virus trước đây.
"Nó chỉ phổ biến và nguy hiểm hơn nếu số đột biến khiến nó nhân lên nhanh hơn so với virus gốc. Cần xem xét thêm liệu nên xếp nó vào danh mục nào", ông nói.
Theo Maria Van Kerkhove, chuyên gia dịch tễ tại WHO, IHU là "biến chủng đang được theo dõi". Chuyên gia virus Tom Peacock, thuộc Khoa Bệnh truyền nhiễm của Đại học Hoàng gia London, cho biết biến chủng có thể gây ra một số vấn đề, nhưng không quá nghiêm trọng.
"Chắc chắn, nó chưa đáng lo ngại ở hiện tại", ông nói.
Biến chủng mới xuất hiện trong bối cảnh số ca nhiễm Omicron thế giới gia tăng. Giới chức Pháp ngày 6/1 cũng cảnh báo số ca nhiễm đang tăng với "tốc độ siêu âm", lần đầu vượt mức 300.000 một ngày. Ca mắc mới tăng mạnh ở Ile-de-France quanh thủ đô Paris và một số vùng khác ở Pháp. Các bệnh viện có thể quá tải trong tuần tới.
Thục Linh (Theo Independent)