Từ London tới New York hay Hong Kong, biến chủng Delta đang trở thành mối nguy hiểm đe dọa kế hoạch quay lại trạng thái bình thường của thế giới.
Tại châu Âu và Bắc Mỹ, tốc độ lây lan nhanh chóng của Delta, biến chủng được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ, đe dọa triển vọng về một mùa hè bình thường, ngay cả khi tỷ lệ tiêm chủng cao giúp thúc đẩy việc dỡ bỏ các biện pháp hạn chế cũng như nối lại hoạt động du lịch.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, Delta đang tạo nên làn sóng lây nhiễm mới ở các nước vốn đã chật vật đối phó đại dịch, đồng thời củng cố sự thận trọng của các nền kinh tế áp dụng chiến lược "dập dịch" dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt.
Chiến lược này giúp kiểm soát tốt Covid-19, hạn chế số ca tử vong, nhưng cũng tác động lớn đến kinh tế và hoạt động đi lại của người dân, trong lúc những khu vực khác trên thế giới đang hướng tới cuộc sống hậu đại dịch.
Khi đại dịch sắp chạm mốc 18 tháng, những biến chủng mới xuất hiện cho thấy nhu cầu cấp bách của việc tăng cường tiêm chủng, cũng như cái giá phải trả cho lựa chọn giữa nỗ lực "dập dịch" hay chiến lược "sống chung với virus".
Biến chủng Delta giờ đây xuất hiện ở ít nhất 92 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nó được cho là có khả năng lây lan mạnh hơn cả Alpha, biến chủng vốn đã dễ lây hơn chủng gốc. Bên cạnh đó, Delta dường như còn có khả năng kháng vaccine mạnh hơn so với những chủng khác.
"Biến chủng Delta rõ ràng dễ lây truyền hơn nhiều, đặt ra thách thức lớn đối với những nước có nguồn cung vaccine hạn chế", Zoe Hyde, chuyên gia dịch tễ học tại Đại học Tây Australia, cho hay. "Chúng ta bắt đầu thấy những quốc gia từng rất thành công nay lại phải chật vật ngăn chặn virus. Bài học từ những gì diễn ra hồi năm ngoái là thà chấp nhận hành động thái quá với virus, hơn là phản ứng muộn màng".
Tại Anh, nơi giới chức đã hoãn kế hoạch mở cửa hoàn toàn tới giữa tháng 7 vì một đợt bùng phát mạnh hồi cuối tháng 5, biến chủng Delta giờ đây chiếm tới 99% số ca nhiễm mới. Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh châu Âu hôm 23/6 cho biết họ ước tính đến cuối tháng 8, biến chủng này sẽ chiếm trên 90% ca Covid-19 mới của cả châu lục.
Thủ tướng Đức Angela Merkel, người đã kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cách ly công dân về từ Anh, hôm 24/6 cảnh báo châu lục đang "đứng bên bờ vực" vì sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta.
Tại Mỹ, chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Anthony Fauci ngày 23/6 cho biết biến chủng Delta hiện chiếm 20% số ca nhiễm mới và sẽ sớm trở thành chủng virus lấn át trong vài tuần nữa, đặt ra "mối đe dọa lớn nhất" đối với tiến trình phục hồi của đất nước.
Ở Indonesia và Thái Lan, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức một con số, biến chủng Delta đang làm gia tăng nhanh chóng số ca nhiễm, khiến nhà chức trách ở Jarkata mới đây phải áp đặt lệnh giới nghiêm tại một số khu vực của thủ đô.
Tại Singapore, nơi hơn 1/2 dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, giới chức y tế cũng cho rằng nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng ca nhiễm gần đây là do chủng Delta.
Giới chức y tế Hong Kong hôm 23/6 phong tỏa một khu dân cư sau khi có báo cáo về trường hợp một nhân viên sân bay nghi nhiễm Covid-19 chủng Delta.
Tại Australia, chính quyền bang New South Wales mới đây thông báo áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó có lệnh không ra khỏi nhà và giới hạn số người tại một số địa điểm sau khi xuất hiện hàng loạt trường hợp nhiễm virus chủng Delta.
"Từ góc độ miễn dịch, các quốc gia, vùng lãnh thổ ở châu Á - Thái Bình Dương, những nơi từng thành công trong chiến lược chống Covid-19, hiện nay làm không tốt hơn là bao so với chúng ta một năm trước", Karen A. Grépin, phó giáo sư y khoa tại Đại học Hong Kong, nhận xét.
"Vậy nên, nếu những nơi này xuất hiện tình trạng virus lây lan diện rộng trong cộng đồng, chúng ta sẽ chứng kiến số ca nhập viện và tử vong tăng đột biến. Đây là một thách thức đặc biệt nghiêm trọng đối với Hong Kong, nơi mà nhóm dễ bị tổn thương nhất, nhưỡng người trên 70, 80 tuổi, lại có tỷ lệ tiêm chủng thấp nhất so với các nhóm còn lại".
Dù biến chủng Delta có khả năng lây truyền cao, giới chuyên gia hiện vẫn tranh cãi về mối đe dọa thực sự nó gây ra, khi virus dường như chủ yếu chỉ đe dọa nhóm người chưa tiêm chủng. Một câu hỏi nữa đặt ra là liệu chính phủ các nước có cần thiết phải trì hoãn nỗ lực tái khởi động nền kinh tế vốn đã bị sa sút trầm trọng vì dịch bệnh hay không, đặc biệt là khi chiến dịch tiêm chủng đang tăng tốc.
Tại Anh, nơi hơn 80% dân số đã tiêm ít nhất một mũi vaccine, tỷ lệ tử vong gần như vẫn không đổi, dù số ca nhiễm mới tăng lên mức hơn 15.000 trường hợp mỗi ngày.
Theo một phân tích của Cơ quan Y tế Công cộng Anh công bố tháng này, vaccine Pfizer và AstraZeneca có tỷ lệ hiệu quả lần lượt là 96% và 92% khi tiêm đủ hai mũi.
Đến nay, châu Âu, nơi gần nửa dân số trưởng thành đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, hầu hết đang cân nhắc các biện pháp mở cửa trở lại bất chấp những lo ngại về nguy cơ lây lan biến chủng Delta. Chính quyền Bồ Đào Nha gần đây phải đưa ra lệnh cấm di chuyển không cần thiết ở thủ đô Lisbon vì biến chủng này.
Trong khi đó, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và Hy Lạp đều đã nới lỏng các biện pháp hạn chế đi lại và giãn cách xã hội sau khi EU khuyến nghị các quốc gia mở cửa biên giới cho khách du lịch đã tiêm phòng Covid-19.
Jeremy Rossman, giảng viên danh dự về virus học tại Đại học Kent, cảnh báo dù tỷ lệ tiêm chủng cao giúp kéo giảm số ca tử vong vì Covid-19, khả năng lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta dễ khiến châu Âu tan tành giấc mơ "mùa hè ăn mừng".
"Rất có thể biến chủng Delta sẽ cản trở việc mở cửa của châu Âu khi số ca nhiễm mới bắt đầu tăng", Rossman nói. "Phương pháp chống dịch cứng rắn mà một số quốc gia châu Á - Thái Bình Dương áp dụng đã giúp họ bảo vệ hiệu quả cả sức khỏe người dân lẫn nền kinh tế. Tất cả chúng ta đều muốn quay lại cuộc sống bình thường, nhưng dịch bệnh vẫn tiếp diễn và ta cần phải có những hành động liên tục để bảo vệ sức khỏe cũng như kinh tế cho người dân".
Ở châu Á - Thái Bình Dương, nơi tỷ lệ tiêm chủng vẫn ở mức thấp, giới chức các nước trong khu vực tỏ ra vô cùng thận trọng về việc dỡ bỏ những biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt của mình.
Chính phủ Australia cho biết biên giới chỉ có thể được mở lại ít nhất là tới giữa năm 2022. New Zealand, quốc gia đã đóng biên từ tháng 3/2020 và mới chỉ tiêm vaccine đầy đủ cho gần 10% dân số, chưa đưa ra bất kỳ kế hoạch tái mở cửa nào.
"Biến chủng Delta chắc chắn là lý do khiến họ thận trọng, đặc biệt là với các nước có tỷ lệ tiêm chủng còn tương đối thấp", Michael Plank, chuyên gia thống kê tại Đại học Canterbury, New Zealand, đánh giá. "Vì thế, chìa khóa để không bị bỏ lại phía sau là tiêm chủng cho nhiều người dân nhất có thể".
Thira Woratanarat, nhà dịch tễ học tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok, Thái Lan, dự đoán Delta sẽ trở thành chủng virus thống trị ở châu Á trước cuối năm nay. Theo ông, quyết định mở cửa phải dựa trên tổng hợp các yếu tố như tỷ lệ tiêm chủng, khả năng kiểm soát đại dịch hiệu quả và năng lực y tế, xét nghiệm.
"Mở cửa đất nước đón thương mại quốc tế và du lịch là điều cần thiết với hầu hết các quốc gia trên thế giới", Woratanarat cho hay. "Tuy nhiên, chúng ta có thể học hỏi từ một số nước đã thành công rằng ta cần đạt được ba yếu tố trên trước khi quyết định".
Một số điểm du lịch ở châu Á đã lên kế hoạch mở cửa trở lại. Phuket, Thái Lan, dự kiến chào đón du khách đã tiêm phòng từ ngày 1/7. Nhưng tại Indonesia, kế hoạch tương tự nhằm mở cửa trở lại các khu nghỉ dưỡng ở Bali và Riau vào tháng tới đang gây tranh cãi do số ca nhiễm Covid-19 tăng kỷ lục. Indonesia mới chỉ tiêm vaccine đủ hai mũi cho khoảng 6% trong 270 triệu dân của mình.
Dù được ghi nhận là chiến lược hiệu quả trong ngăn chặn virus, việc đóng cửa biên giới trên khắp châu Á - Thái Bình Dương đã gây ra thiệt hại nặng nề về kinh tế - xã hội, với hàng loạt lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là du lịch, đứng trên bờ vực kiệt quệ và vô số gia đình phải ly tán suốt nhiều tháng.
Hồi tháng 5, Viện McKell ở Sydney ước tính biện pháp đóng biên khiến Australia thiệt hại 157 triệu USD mỗi ngày do hoạt động kinh tế bị giới hạn.
Tại Hong Kong, GDP đã giảm kỷ lục 6 quý liên tiếp trong năm 2019 và 2020, giai đoạn mà ngoài dịch bệnh, đặc khu còn phải đối mặt với các cuộc biểu tình quy mô lớn, trước khi phục hồi lại mức tăng trưởng dương vào quý I năm nay.
Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Hong Kong George Leung Siu-kay cảnh báo khả năng phục hồi kinh tế của thành phố sẽ tiếp tục bị đình trệ chừng nào biên giới vẫn bị đóng.
Theo kết quả một cuộc khảo sát ý kiến các nhà kinh tế học được đăng trên Bloomberg ngày 25/6, hầu hết những nền kinh tế lớn ở châu Á - Thái Bình Dương khó trở lại mức tăng trưởng tiền đại dịch trước năm 2023, với du lịch là yếu số quan trọng trong nỗ lực phục hồi kinh tế khu vực.
Donald Low, giáo sư về chính sách công tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hong Kong, nhận định sự xuất hiện của những biến chủng cho thấy một thực tế là xã hội cần học cách sống chung với virus.
"Việc có thêm những biến chủng dễ lây lan hơn là bằng chứng rằng Covid-19 sẽ không thể bị loại bỏ và tất cả chúng ta nên tiêm vaccine để chuyển sang trạng thái bình thường hậu đại dịch", Low nói. "Từ góc độ mối quan hệ chi phí - lợi nhuận, việc xuất hiện nhiều biến chủng dễ lây truyền hơn đồng nghĩa để đạt được trạng thái sạch bóng Covid-19, xã hội sẽ phải trả giá nhiều hơn".
Theo Low, đã đến lúc thế giới cần bắt đầu "suy nghĩ về việc chuyển đổi từ biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt sang giảm thiểu". "Giới khoa học có một sự đồng thuận chung rằng Covid-19 sẽ trở nên đặc hữu, do đó phương pháp dập dịch, điều cần thiết ở giai đoạn đầu của đại dịch, không thể kéo dài thêm nữa", ông cho biết.
Hôm 24/6, một nhóm các bộ trưởng Singapore đã viết trên tờ Straits Times rằng chính phủ đang hoàn thiện kế hoạch nhằm cho phép đất nước "sống bình thường" giữa Covid-19. Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy xã hội đang có nhận thức ngày càng tăng về việc sống chung với dịch bệnh.
"Tôi tin rằng chúng ta phải thích nghi và học cách sống chung với không chỉ Delta mà cả những biến chủng khác của Covid-19 sẽ xuất hiện trong tương lai", Hsu Li Yang, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Quốc gia Singapore, chia sẻ. "Câu hỏi về tỷ lệ bao phủ vaccine trong dân số cần đạt là bao nhiêu để ngăn bệnh viện và hệ thống y tế bị quá tải hiện chưa chắc chắn, nhưng chúng ta có thể sẽ học được từ những sự kiện trong nửa năm tới ở Anh, Mỹ và những nước khác, nơi biến chủng Delta đã bén rễ".
Gigi Foster, giáo sư kinh tế tại Đại học New South Wales, Australia, đánh giá việc chú ý quá mức vào các biến chủng đang "đổ thêm dầu vào ngọn lửa sợ hãi" và các cộng đồng cần vượt qua nỗi sợ của họ về Covid-19 để trở lại cuộc sống bình thường.
"Chúng ta nên hướng tới chấm dứt tình trạng đóng cửa biên giới quốc tế và ổn định chính sách thay vì liên tục phong tỏa, đồng thời truyền đi một thông điệp mới, thống nhất rằng chúng ta cần học cách vừa sống chung với Covid-19 vừa giảm thiểu tối đa thiệt hại về người", ông nhấn mạnh.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)