Biến chủng Delta xuất hiện lần đầu tại Ấn Độ đã nhanh chóng có mặt ở 92 quốc gia, được coi là biến chủng "khôn ngoan nhất" của chủng gốc gây ra đại dịch với khả năng săn lùng đối tượng dễ bị tổn thương, đặc biệt ở những nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Nghiên cứu thực hiện ở Anh, nơi biến chủng Delta chiếm 99% số ca Covid-19 mới, cho thấy nó có khả năng lây nhiễm cao hơn 60% so với biến chủng Alpha, biến chủng chủ yếu gây lây nhiễm ở Anh thời kỳ đầu. Nó cũng khiến nguy cơ nhập viện cao hơn, khả năng kháng vaccine mạnh hơn nếu chỉ tiêm một mũi.
"Đây là vấn đề sống còn, khi mà chúng ta hoàn toàn phụ thuộc vào vaccine tới lúc đạt được miễn dịch cộng đồng. Chúng ta cần đạt tỷ lệ miễn dịch cao hơn để bảo vệ khả năng chống lại biến chủng dễ lây lan hơn", Tiến sĩ Stephen Griffin, nhà khoa học virus kiêm phó giáo sư học viện y thuộc Đại học Leeds, nói.
"Nó nói lên thực tế rằng chúng ta thực sự cần giảm số ca nhiễm xuống, cùng lúc với triển khai nhanh chiến dịch vaccine".
Lời kêu gọi thận trọng được đưa ra vào thời điểm các nghiên cứu ở Australia chỉ ra biến chủng Delta có khả năng lây nhiễm dễ dàng như thế nào. Dựa theo camera an ninh trong một khu mua sắm trong nhà ở Sydney, giới chức y tế nghi ngờ nó có thể truyền nhiễm cho người khác chỉ bằng việc người ta "lướt qua" nhau 5-10 giây, căn cứ vào hai trường hợp.
Thời điểm đó Sydney không bắt buộc đeo khẩu trang. Người được ghi hình chưa chắc đã tiêm vaccine bởi chưa tới 5% dân số Australia tiêm đủ hai liều. Thành phố Sydney và khu vực xung quanh bắt đầu lệnh phong tỏa nghiêm ngặt vào cuối tuần trước nhằm hạn chế sự lây lan của biến chủng Delta.
Biến chủng Delta dễ lây, nhưng các nhà khoa học chưa xác định được lý do. Giáo sư Catherine Noakes, thành viên nhóm Cố vấn Khoa học về Tình huống Khẩn cấp (SAGE) của Anh, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm qua không khí tại Đại học Leeds, nhận định nguyên nhân có thể như sau: người nhiễm biến chủng Delta có tải lượng virus cao hơn, nghĩa là họ thải ra nhiều hạt nhỏ hơn và người khác dễ dàng bị lây khi phơi nhiễm một lượng virus ít hơn; hoặc thời gian tiếp xúc tương đối ngắn cũng đủ để bị lây.
Có thể người ta bị lây khi ở gần người mang mầm bệnh trong vài giây, nếu người mang mầm bệnh thở ra một lượng hạt virus mà người kia tình cờ hít phải đúng lúc.
"Không phải nó luôn lây nhiễm theo cách này cho mọi người, nhưng đó có thể là một trong vô số lần không may mắn", bà nói.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến khích người đã tiêm chủng đầy đủ "giữ an toàn" bằng cách đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội, thực hiện các biện pháp an toàn khác để đối phó biến chủng Delta.
Israel, nơi 55% dân số đã tiêm đầy đủ hai mũi vaccine, tái áp đặt quy định đeo khẩu trang cuối tuần trước, trong bối cảnh số ca Covid-19 nhiễm biến chủng Delta tăng nhanh chỉ 10 ngày sau khi dỡ bỏ quy định khẩu trang. Số ca nhiễm tăng gấp 4 lần tuần trước, do hai vụ bùng phát ở trường học. Tháng trước, trẻ em từ 12 tới 15 tuổi đã đủ điều kiện tiêm vaccine, nhưng tỷ lệ tiêm chủng ở nhóm này rất thấp.
Noakes cho hay số ca nhiễm tăng ở Israel nhưng số ca nhập viện và tử vong không tăng, vì vậy động thái này mang tính chất phòng ngừa.
"Virus đang lưu hành khắp xã hội, vì vậy ngay cả khi không ghi nhận số ca tử vong cao, nó vẫn gây gián đoạn cuộc sống của con người, buộc người ta phải cách ly, hoặc khiến người ta đổ bệnh kéo dài", bà nói.
Griffin cho rằng kịch bản lý tưởng là xây dựng bức tường vaccine cho bản thân trước khi phơi nhiễm virus bởi nếu dịch có bùng lên, chỉ có ít người nhiễm và hệ số lây nhiễm cơ bản (R) vẫn không vượt quá 1, thì dịch không thể lan rộng".
"Vấn đề là chúng ta chưa đạt được mức độ bảo vệ cỡ đó, nên nếu bị nhiễm, số ca bệnh tăng lên, sẽ có nhiều nguồn phát tán virus hơn", ông nói. "Đây là dấu hiệu cho thấy chúng ta phải siết chặt kiểm soát. Không thể thực hiện nửa vời, chúng ta không thể loại trừ trẻ em khỏi chiến dịch tiêm chủng. Nếu làm được, chúng ta sẽ chấm dứt vòng tròn lây nhiễm".
Hồng Hạnh (Theo Guardian)